Đất Lạnh

Chương 8: Full



Ông ấy đâu dám bước ra khỏi nhà, trong khi những bóng ma ngoài kia đang trực chờ ông xuất hiện. Ông Ba tự hỏi, chẳng biết mình làm gì sai, đắc tội gì với họ, mà bây giờ đẩy bản thân mình vào hoạ sát thân. Một điểm kỳ lạ là, phía công an không ai bị những bóng ma đeo bám,có chăng chỉ là người dân trong thôn Đoài này. Họ cũng tham gia, có người còn rạch cả đầu con búp bê lấy những thứ quái dị ra ngoài, thế mà họ vẫn ăn ngon ngủ kỹ.

Hay bởi họ là công an?

Ngẫm nghĩ một lúc ông Ba lắc đầu:” Không đúng, công an thì cũng là người trần mắt thịt. Có đâu da bọc thép mà tránh được lũ yêu ma đó.” Ông đi ra ban thờ tổ tiên, rút mấy cây nhang khấn vái, lầm rầm cầu gì đó trong miệng, xá ba xá, cắm nhang lên bát hương, nhẹ nhàng ngồi xuống bàn.

Một lúc sau, ông ấy nhận ra…họ không thuộc người dân trong thôn Đoài. Nếu vậy thì chắc chỉ có người dân thuộc thôn này, mới bị những vong hồn ma đeo bám.

Đêm nay thật dài, ông Ba ngồi hút hết mấy điếu thuốc mà trời vẫn chưa sáng. Nét ưu tư muộn phiền, hiện rõ trên vầng trán nhăn nheo của một người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần. Tiếng chó sủa ngoài cổng đã im bặt, lâu lâu tiếng lá cây xào xào ngoài vườn vọng lại, đem theo mùi hương hoa cây trái ngọt lịm.

Ấm trà cạn khô, ông Ba vừa định đứng dậy với phích nước đổ vào ấm trà. Bỗng…có tiếng lẹt xẹt như tiếng bước chân của ai đang đi, vang vọng ngay sau đầu hồi nhà, khiến ông Ba khựng tay chú ý lắng nghe.

Tuyệt nhiên, nó lại nhanh chóng biến mất.

Nghĩ mình già cả tai bị lãng, ông Ba thở dài đứng dậy, với phích nước nóng châm nước ấm.
Xen lẫn tiếng nước chảy là tiếng Sột soạt..sột soạt…ngay bên cửa sổ. Ông Ba tưởng tượng trong đầu, như có bàn tay ai đó với những chiếc móng sắc nhọn, đang cào vào cánh cửa sổ bằng gỗ bên hông nhà, nghe lạnh cả người.

Ông buột miệng hỏi:” Ai đấy?”

Đáp lại lời ông bằng một tiếng khẹc khẹc, y như tiếng con vịt. Ông nhìn ra mé cửa sổ, nơi phát ra tiếng động, chợt thấy cặp mắt đỏ ngầu đang ghé sát nhìn vào trong. Hoảng quá, ông Ba quát.

“ Khôn hồn thì ngay cho, đừng để tôi lấy gậy dâu ra đánh đuổi. Tôi với các người không thù không oán, đừng mong tới đây gây hoạ. Oan có đầu, nợ có chủ, hãy tìm những người hãm hại mấy người mà báo oán.”

Sau câu nói của ông Ba, đôi mắt ấy biến mất.

Con chó nhà ông nằm ngoài hiên, nghe thấy tiếng ông nó nhảy cẫng lên mừng. Hai chân trước vồ vào cánh cửa, kêu ư ử muốn vào nhà. Ông Ba nhìn ra cổng, mấy bóng trắng ấy đã bỏ đi. Đúng lúc con gà trống trong chuồng cất tiếng gáy, báo hiệu trời sắp sáng.

Một đêm chầm chậm trôi, may mắn tất cả đều bình an.
………………………………….
“Ông Ba ơi, ông ăn sáng chưa? Con chở ông qua nhà thầy Pháp.”

Tiếng của Doãn bên ngoài gọi vọng vào, ông Ba đang rửa mặt ngoài giếng, ngước lên nhìn.

“ Doãn đấy hử? Vào đây làm hớp nước trà nóng cái đã.”

Doãn dắt xe vào dựng ở góc sân, ngồi xuống manh chiếu trải sẵn trên hiên với tâm trạng mệt mỏi, lo lắng. Ông Ba quay lại với ấm nước vợ mình vừa nấu trên tay, thấy bộ dạng tiều tuỵ của Doãn, ông Ba hỏi.

“ Chú mất ngủ hay sao mà mắt đen như gấu trúc thế kia? Hay lại quen tay cờ bạc, ngồi xóc đĩa cả đêm nên thiếu ngủ?”

Doãn xua xua tay:

“ Ôi…bác ơi! Cà bạc là bác thằng bần. Cháu bỏ lâu rồi. “

“ Ừ, được vậy thì tốt. Nó chỉ làm tan cửa nát nhà, chứ nào có bổ béo gì. Vậy mà mấy đứa trẻ thời nay chúng nó cứ cắm mặt vào ba cái trò đỏ đen.”

Doãn ngồi lặng thinh, một lúc sau chậm rãi nói.

“ Bác Ba này! May mà tối qua bác sang nhà cháu, dặn rắc muối và gạo nếp quanh nhà, nửa đêm có ai gọi thì đừng thưa hoặc ra mở cửa. Chứ nếu không ngày này sang năm, là ngày giỗ của cháu đấy bác.”

Ông Ba cau mày, tay đang rót nước thì khựng lại. Ngước mắt nhìn Doãn, hỏi:

“ Có chuyện gì à? Kể tôi nghe xem nào.”

Doãn bưng chén trà lên miệng, thổi phù phù cho bớt nóng. Nhấp vài hớp xong bắt đầu kể.

“Chẳng giấu gì bác, đêm qua cháu mất ngủ cả đêm. Cứ nhắm mắt vào là nghe tiếng một cô gái khóc thút thít bên tai, mở mắt ra lại chẳng thấy gì. Có khi là tiếng móng tay cào cánh cửa sổ, khi lại là tiếng thét ai oán. Giống như cô ấy đang bị ai đó hành hạ, hết sức tàn nhẫn. Cháu thấy trong tiếng khóc có chút thê lương ai oán. Gần về sáng, cháu luôn nghe thấy ai đó gọi tên mình, có lúc không cưỡng nổi cháu định ngồi dạy thưa. May lúc đó cụ nhà cháu cản, không cho cháu ngồi dậy. Nếu không chắc bây giờ cháu thành ma mất rồi.”

“ Vậy là cụ nhà hiện về cứu cậu. phúc đức tổ tiên nhà cậu để lại quá lớn, nên mới phù hộ cậu qua khỏi kiếp nạn này.”

“ Cháu cũng nghĩ như bác. Hôm nay qua đây là để chở bác đi rước thầy về xem. Sợ tránh được một hôm, đêm mai nó lại tới bắt đi thì trở tay không kịp bác ạ.”

Ông Ba ậm ừ, ông cũng kể cho Doãn nghe những hiện tượng kỳ lạ đêm qua mình gặp phải. Gần một đêm ông thức trắng, không dám ngủ. Chỉ sợ ngủ quên sẽ không bao giờ tỉnh dậy. Ngồi một lúc, ông Ba đứng dậy thay bộ quần áo mới, quay ra hối Doãn chở mình qua xã bên, tìm thầy.
……………………………..
Hơn 9h sáng.
Trời hôm nay không nắng, ong ong như muốn mưa. Đôi lúc có áng mây đen che khuất ánh mặt trời yếu ớt, làm cho tiết trời u ám hẳn.

Ông Ba và Doãn đã tìm được thầy, đón thầy về đây xem quẻ cho làng một chuyến. Bà con hôm nay chẳng ai đoái hoài gì đến việc đồng áng, họ rủ nhau đi xem thầy pháp bắt ma. Mà phải nói, mấy vụ này dân làng háo hức lắm, nghe danh mấy ông thầy pháp đã lâu, nay mới được tận mắt nhìn thấy thầy bắt vong, sẽ được mở mang tầm mắt, còn gì bằng. Phản thịt nhà cô Thoa hôm nay cũng nghỉ bán. Không phải vì vụ thầy pháp về làng, mà bởi lão Khánh chồng cô đổ bệnh nặng.

Ông Ba lên tiếng dặn mọi người.

“ Bà con đứng tản ra rộng một chút, để thầy vào xem. Trong lúc thầy làm phép, đừng ai lên tiếng làm phiền, cũng đừng cản trở công việc của thầy.”

Mấy lời đồn đại lại vang vọng.

“Bà có tin mảnh đất này có ma thật không?”
“Tôi không biết nữa, nghe kể đã nhiều mà chưa gặp nên là không tin.”

Bà bên cạnh đáp:

“ Tôi thì khác, tôi tin là có ma đấy. Chẳng phải mấy cái chết trong làng mình dạo gần đây đều liên quan đến vụ tìm thấy chiếc quan tài kia ư?”

Một bà khác nói xen vào:” Ơ! Bà nói thế nào ấy chứ, nếu là liên quan đến vụ đấy, thì sao ông Ba trưởng thôn và chú Doãn, chú Học và thằng Tính, thằng Bình… trong đội khiêng hòm đi đốt lại không bị? Còn nữa, cái Huệ cave cũng liên quan gì mà cũng chết thảm đấy thôi. Rồi cả mấy chú công an nữa, có chú nào bị sứt mẻ gì đâu, vẫn sống nhăn răng cả đấy thôi.”

Bà Mận ở đâu te te chạy đến, nói chen ngang.
“Tôi tin các bà, ngày xưa tôi nghe cụ nhà tôi kể, hôm đó cụ đi bắt ếch đêm, khi đi ngang qua mảnh đất này cứ thấy bóng trắng ngồi chễm chệ trên đỉnh mấy ngôi mộ. Đã thế tóc tai xõa rũ rượi, bay phất phơ che kín mặt. Hoảng quá, cụ nhà tôi vứt cả giỏ ếch trên vai, chạy thục mạng về nhà.”

“Mấy bà nói cũng đúng. Mà thôi, có thầy ở đây. Có ma hay không thì chờ thầy làm lễ sẽ rõ.”
…………………….
Ông thầy pháp lập một đàn cúng trước gốc cây Gạo, bầy đầy đủ rất nhiều thứ trên bàn. Ngồi khoanh chân dưới đất, tay cầm nắm nhang châm lửa đốt. Chưa kịp khấn vái gì. Đột nhiên, mắt ông ấy trợn ngược, thả nắm nhang trên tay xuống đất. Hai tay đưa lên ôm cổ, lưỡi thè dài, bọt mép sùi ra thành dải. Những người đứng xem sợ chết khiếp, họ tản ra xa, bàn tám um sùm như cái chợ.

Ông Ba trưởng thôn thấy không ổn, nếu để vậy mãi chắc có lẽ ông thầy sẽ không chịu nổi. Ông ấy lao đến, lay vai ông thầy pháp hỏi:” Thầy ơi! Thầy bị làm sao thế? Đừng làm chúng tôi sợ.”

Bụp…thịch…”A..”

Sau câu nói, ông Ba vị ai đó đá văng ra xa, mặt mày nhăn nhó miệng la oai oái rần trời. Mấy người bên ngoài xúm lại đỡ ông Ba dậy. Ông ấy vừa xoa mông, vừa hối.

“ Nhanh lên, vào chùa xin cho tôi ít tro trong bát nhang ra đây. Nhớ là xin tro ở dưới bát nhang thờ phật tổ ấy. Đi nhanh đi, kẻo không kịp.”

Một người nghe lệnh chạy ngay sang chùa. Một lúc sau mang về một túi tro đưa cho ông Ba, nói:” tro trong bát nhang đây bác Ba. Chúng ta làm gì để cứu ông ấy bây giờ.”

Ông Ba đỡ lấy túi tro, ngước lên dặn mọi người:” Bà con đứng xê ra, kẻo hạp ai nó nhập vào thì khổ.”

Dứt lời, ông Ba bốc từng nắm tro ném vào người ông thầy pháp và xung quanh chỗ ông ấy ngồi. Quả là có hiệu quả, tro vừa tiếp xúc với bầu không khí đã giải thoát cho ông thầy pháp khỏi bàn tay ma quỷ. Cứu ông ấy thoát khỏi thần chết.

Ông thầy ngã xuống đất, ho sặc sụa. Nói thều thào:” Xin lỗi, tay ấn tôi chưa đủ mạnh để thu phục đám ma quỷ này. Tôi khuyên mọi người tạm thời tránh xa mảnh đất này ra. Tìm thầy nào cao tay, phong ấn chúng lại, may ra dân làng này mới được yên. Nếu không, e là mỗi tháng có một người phải chết. Mà toàn là chết trẻ đấy. “

Mọi người nghe ông ấy phán xong, trong lòng ai cũng hoang mang tột độ. Mấy cái chết thương tâm dạo gần đây là ví dụ. Ông thầy ngồi dậy, gom đồ đạc đi về mà mặt buồn thiu. Chắc ông ấy không giúp gì được trong chuyện này, nên cảm thấy tiếc nuối.
………………………………………..
Ông Ba và Doãn không chịu bỏ cuộc. Họ ra tận huyện tìm thêm một ông thầy pháp khác về. Ông thầy này mới đầu vừa đến, hùng hồn tuyên bố to miệng lắm, không khiêm tốn như ông thầy vừa rồi. Ông ta mặc trên người bộ quần áo nhà chùa, một tay cầm chiếc chuông, tay kia cầm mấy cây nhang đang cháy, múa mang qua lại xung quanh gốc cây. Miệng lầm rầm mấy câu gì đó mà chỉ ông ta mới nghe và hiểu rõ. Nhảy múa một hồi, ông ta quay lại bàn lễ, nhang vừa cắm vào bát, bỗng nó nổ tung bát hương làm mấy cây nhang bùng cháy, lụi tàn thành tro trước mắt dân làng.

“Ôi kìa, nhìn khiếp quá bà con ơi.”
“Đúng rồi, nếu hôm nay không tận mắt chứng kiến, tôi sẽ không tin trên đời này có ma quỷ.
“ Xem ra, ông thầy này lại là thầy rởm nữa rồi.”

Tiếng bàn tán xì xầm vang vọng, ngay sau khi họ trông thấy hương bị vỡ. Ông thầy giật mình, tay móc ra lá bùa màu trắng, trên đó vẽ mấy ký tự loằng ngoằng nhìn chẳng hiểu gì. Ném vào gốc cây, hô lớn.

“ Đánh..”.

Dứt lời, ông ta ngã quay đơ úp mặt xuống đất, miệng mồm dính đầy đất cát, nhăn nhó chửi thề.

“ Mẹ kiếp, cái lũ khốn, mày chơi cả ông mày hả.”

Câu nói và hành động của ông ta làm cho dân làng cười ồ lên, chỉ chỉ trỏ trỏ, cười cợt ông ta.
Ngại quá, ông ta vẫn ra oai, đứng dậy vỗ ngực.
Nói chắc như đinh đóng cột.

“ Hôm nay, nếu không thu phục được con ma này, tôi thề mình sẽ giải nghệ.”

Có người đứng bên ngoài trêu ông ấy:” Vậy thì thầy thu phục nó đi để dân chúng tôi tin. Mà nếu làm không xong thì mong thầy giữ lời nói của mình. Giải nghệ cho sớm, đừng hành nghề lừa bịp người khác.”

“ Phải đấy..phải đấy…làm đi, thầy nói nhiều ai tin.”

Nói đoạn…ông ta bị quê, ngượng chín mặt. Tay lượm chiếc chuông giơ quá đỉnh đầu lắc như điên. Tự dưng, ai đó ngáng chân làm ông ta mất đà, ngã nháo nhào về hướng đàn cúng. Vập mặt vào góc bàn, rách toạc một vết khá dài và sâu trên trán. Lòi ra cả lớp thịt mỡ trắng phau. Ông ta đưa tay lên ôm vết thương, mặt lúc này nhuộm đỏ một màu máu. Nước mắt nước mũi chảy thành dòng. Bỏ luôn cả đồ nghề, không kịp dặn bà con câu gì, vắt chân lên cổ chạy thục mạng ra khỏi làng.

Mọi người không ai dám cười, mặc dù những lời ông ta nói đều là nói khoác. Đám ma ở đây gần như bắt đầu tuyên chiến với người dân nơi đây, nhắn nhủ với mọi người rằng:” kẻ nào mạo phạm, kẻ đó sẽ chết không toàn thây.”

Bao ánh mắt thất vọng dành cho ông thầy pháp bỏ chạy, nhìn theo ông ta cho đến khi hình dáng nhỏ dần và mất hút phía cuối con đường mòn mới chịu thôi. Họ ra về, tràn trề nỗi thất vọng trong lòng. Ai nấy…tỏ rõ nét hoang mang trên gương mặt.

Thoa đứng xem hết trò bắt ma của ông thầy thứ hai, cô nói như tuyên bố:” Chỉ có một người cứu được làng ta mà thôi, nhưng hôm nay cháu chưa mờ được ông ấy.”

Ông Ba bước đến, hỏi:” Cô Thoa nói thật chứ? Ông ấy đang ở đâu? Tôi sẽ cho người qua đón ngay. Sợ đêm nay nó lại đến bắt thêm người thì khổ.”

Thoa kể lại tất cả, cả chuyện cô về nhà bố mẹ đẻ nhờ họ đi tìm ông thầy pháp là người quen. Đến vụ Khánh bị ma nhập, đánh vợ con, giết chết mấy con lợn như thế nào, cô kể hết. Nghe xong mấy người đứng đó há hốc miệng, da gà gai ốc, nổi cả.

“ Thôi được rồi, ăn cơm trưa xong chúng tôi sẽ qua lang cô Thoa một chuyến. Hy vọng ông ấy đã về. Và dân làng này gặp được thầy giỏi, cứu nguy làng mình qua kiếp nạn diệt vong.”

Thoa gật đầu, hôm cô nghe bố mình bảo hai hôm nữa ông ấy mới về. Sợ chiều ông Ba qua sẽ nhỡ việc vì không gặp. Nhưng nước đã đến chân, cũng đành phải nhảy.
…………………………………………
Mãi buổi chiều, Doãn mới chở ông Ba về. Theo sau xe hai người là bố của cô Thoa và ông thầy pháp tên Ngọ. Thầy Ngọ năm nay hơn 60 tuổi, cơ thể gầy còm, xong bước đi lại rất khoan thai nhẹ nhàng. Khác hẳn với hai ông thầy pháp trước.

Thì ra, bố cô Thoa gọi điện nhờ ông ấy về gấp, cứu nguy cho người làng này. Ngay khi vừa đặt chân vào đây thầy Ngọ đã cảm thấy một luồng khí lạnh chạy vào người. Thầy rùng mình một cái ớn lạnh, miệng khẽ nói:” Mảnh đất mày, là mảnh đất chết. Lạnh lẽo voo cùng.”

Đúng 6h chiều.
Thầy Ngọ tạo 4 cái cọc tre thành hình chữ nhật. Nghe bảo, đấy là thầy đang bầy trận giăng kết giới, dùng hình nộm bằng rơm và móng tay người hợp vía để gọi hồn. Hình chữ nhật kia xung quanh được nối bằng một sợi chỉ, nối 4 cọc lại với nhau, khi gọi hồn lên, gỡ bỏ phong ấn, giúp hồn ma hiện về. Phía trước là ngọn đèn Lưu Ly, một bát nhang nhỏ, một hình nộm bằng rơm. Thầy Ngọ lấy móng tay của Thoa đặt lên lá bùa kẹp ngay dưới chân đèn, một lá đặt dưới đất. Thầy cho rằng cô Thoa hợp với vong ma, nên mới nhìn thấy rõ bọn họ như vậy.

Thầy bắt đầu việc gọi hồn.

Thầy Ngọ nhẩm chú xong, tay cầm cây nhang vẽ vẽ vào lá bùa kẹp dưới đèn. Xong xuôi, gõ 1 tiếng chuông giơ hai tay bắt quyết, tập trung sức mạnh vào hai bàn tay, quơ qua quơ lại. Kỳ lạ, ngọn lửa trong đèn Lưu Ly đang màu xanh, bỗng đổi sang màu đỏ, trời đất tối sầm lại, giông gió thi nhau kéo về. Vậy mà cây đèn Lưu Ly không tắt, chỉ ngả nghiêng ngọn lửa chứ không hề bị vùi dập. Lúc đấy, là hồn bắt đầu lên. Thầy Ngọ giơ tay lên quá đỉnh đầu, bắt ấn niệm chú liên tục.

Gió ngày một lớn.

Thầy Ngọ vẫn miệt mài niệm chú cầu hồn. Cài móng tay vào con hình nhân, rút cây nhang trong bát hương cắm vào ngực, giơ lên ngang mặt. Một tay cầm hình rơm, một tay cầm nhang vẽ vẽ lên nó. Miệng lầm rầm câu chú xì xầm to nhỏ. Sau đó thầy cắm chân nhang lại vào bát, mở bật lửa hơ vào háng hình rơm, đặt nó xuống chỗ cũ, gõ một hồi chuông khá dài. Xong lại đưa cái chuông gọi hồn lắc lư qua lại trên đầu hình rơm. Miệng hô vừa đủ nghe.

“ Hiện thân!”

Ngay tức thì…trước mắt Thoa và thầy Ngọ là vong một người phụ nữ còn khá trẻ. Bộ quần áo gấm trên người cô ấy nhuốm đầy máu. Không biết, người dân xung quanh có nhìn rõ cô gái ấy không. Nhưng Thoa và thầy Ngọ lại trông thấy rất rõ. Chắc do Thoa hợp vía, còn thầy Ngọ có con mắt âm dương, luôn nhìn thấy ma quỷ nếu như nó xuất hiện ngang tầm mắt.

Thầy Ngọ hỏi.

“ Vong kia, tên họ là gì? Nhà cô ở đâu? Vì sao lại chết trẻ?”

Cô gái khóc thút thít, mãi một lúc mới run run mới.

“ Tôi tên Nguyễn Thị Hoa. Làm nghề cô Đầu ( hát ca trù ) năm xưa, tôi hành nghề ca hát. Nhờ sắc đẹp trời phú và giọng ca làm lay động lòng người nên được ông bá hộ thuê về nhà ở vài tháng, hát cho ông ấy nghe. Bà bá hộ thì sinh nghi, nghĩ tại tôi nên ông bá hộ mới lạnh nhạt với bà ấy. Chửi tôi là loại” Xướng ca vô loài” khinh rẻ tôi ra mặt. Trong một đêm đông cận tết nguyên đán, bà bá hộ nổi máu hoạn thư khi chứng kiến ông bá hộ ngồi nghe tôi đàn hát đến khuya chưa về phòng. Bà ấy xông vào cùng mấy người làm, sai họ trói chân tay tôi lại. Đánh đập, tra tấn, dùng mọi cực hình áp dụng vào cơ thể. Sau đó bà ta cắt cổ tôi để chảy máu cho tới khi tôi tắt thở. Trước khi chết, vì quá uất hận nên tôi đã nguyền rủa, rằng sẽ quay lại báo thù. Từng người…từng người một trong gia đình họ sẽ phải chết, một cách đau đớn như họ đã từng làm với tôi.”

Thầy Ngọ hỏi tiếp:

“ Còn ông bá hộ, chả nhẽ ông ấy không ngăn cản vợ mình…?”

Im lặng một lúc cô ấy kể tiếp.

“Ông ta khi đó đang say thuốc, chân tay lóng ngóng làm được gì. Sau khi tỉnh ông ta sai người đem chôn xác tôi dưới gốc cây đa này. Năm đó cây đa vừa mới mọc tầm hơn 1m. Tôi hận họ, tôi phải giết hết. Ha hả hả hả hả… họ chết là đúng, chết đúng lắm.”

Thầy Ngọ thở dài lắc đầu:” Oan oan tương báo, biết khi nào mới chịu buông bỏ. Vì vậy mà cô ám cả nhà họ đến nỗi thắt cổ tự tử chết hết ư? Cô thật tàn ác. Vốn con cái ông ấy là vô tội.”

Cô ấy không nói gì, khi bị thầy Ngọ đoán ra tất cả. Sau khi chết vài năm, hồn ma của cô ôm lỗi hận quay lại báo thù, chính những người trong gia đình ông bá hộ. Họ phải giá cho những hành động nông nổi tàn ác của mình bằng chính mạng sống.

Cô ấy khẽ gật đầu:” Phải! Là tôi âm bọn họ. Bọn họ đáng chết.”

“Ai phong ấn cô trong mảnh đất này?”

Cô ta đáp:

“Là em trai bà bá hộ. Ông ta nhờ thầy đến phong ấn hồn tôi vào một hình nhân nộm.sau đó để những vậy ấy vào chiếc quan tài giống như đặt người chết. Đào hố chôn quan tài mang theo hồn của tôi. Từ đó, tôi không tài nào thoát ra ngoài, tìm hắn oán.”

Khoé mắt cô chảy ra hai hàng lệ máu. Thì ra tất cả mọi chuyện là vậy. Chỉ vì một chút hiểu lầm, chỉ vì cơn ghen mù quáng mà bà bá hộ giết cô ấy chết thảm như vậy.

Thầy Ngọ lại hỏi:

“ Thế còn người dân nơi đây, họ làm gì để cô quay về bắt họ đi?”

Hả hả hả hả…cô ta cười một tràng dài, ngẩng mặt lên trời khẹc khẹc mấy tiếng, đáp.
“ Do họ mạo phạm mảnh đất này. Tôi còn ở đây ngày nào, thì đừng hòng mấy người được đặt chân vào đây. Kẻ nào muốn phá nhà ta, kẻ đó phải chết thảm.”

Ngay cả Khánh và cô Huệ cave cũng bị ám. Nếu Khánh vào đây mắng nhiếc chửi rủa, phóng uế thì Huệ cave lại đái lên mộ. Vì quá tức giận cho cặp đôi này nên cô ấy quyết tâm hiện thân sát hại, nhập vào người bọn họ. Còn mấy người chết thảm, bị cưa cắt chân tay, cắt ngang người, bị cành cây gã đâm thủng đầu là do họ tham gia việc đốt chiếc quan tài, tự ý chặt cây mà không xin phép. Mọi chuyện đã tỏ, thầy Ngọ khuyên cô ấy tha cho người dân nơi đây. Hứa lập cho cô cái am nhỏ bên gốc cây, nhang khói mỗi ngày rằm để mong cô độ cho người làng. Cô ấy ngồi im không nói gì, có vẻ như đang suy nghĩ. Thầy Ngọ thấy vậy, cất tiếng hăm doạ, vừa đấm vừa xoa.

“ Thôi, mau đồng ý đi. Họ không biết không có tội. Cô cũng bắt mất mấy người theo rồi còn gì. Tha cho họ con đường sống. Còn nếu cô không nghe lời, tôi sẽ phá bỏ cây này, sang bằng mảnh đất. Đến lúc đó, ngay cả chỗ ở cô cũng không có, chứ đừng nói đến “ Am “trú ngụ.”

Nghe xong, cô ấy miễn cưỡng gật đầu. Không nói thêm câu gì biến đi mất. Đấy là gặp thầy cao tay, sợ những pháp lực vô biên trong tay thầy Ngọ nên mới nói chuyện hoà giả. Còn như hai ông thầy trước, bị quật không trượt phát nào lấy gì hoà giải. Thoa mỉm cười, cô nghiệm ra.” ma thì ma, họ cũng thích nghe nói ngọt. Không ưa dùng vũ lực. Vậy mà mình suốt ngày đay nghiến chồng, chỉ vì thói nghiện rượu của anh ta. Sau ngày hôm nay, Thoa quyết thay đổi tính nết và cách sống. Ở đời sống được bao nhiêu đâu mà hững hờ.

Thầy Ngọ cho đóng cọc xung quanh mảnh đất. Mỗi góc một cọc, dưới mỗi chân cọc là một lá bùa Trấn Áp Ma Quỷ. Mãi mãi cô ấy bà cả những vong linh đang cư ngụ trên mảnh đất này không còn cơ hội thoát ra ngoài. Người dân reo hò, vỗ tay rào rào cám ơn thầy Ngọ rối rít. Họ tấm tắc khen thầy giỏi hết lời. Ông Ba mời thầy Ngọ và bố của cô Thoa về nhà mình dùng bữa cơm đạm bạc, thương lượng vụ tiền công. Thầy Ngọ bảo, bữa cơm đạm bạc thì thầy sẵn sàng nhận. Còn tiền công, thầy nhất quyết không lấy một xu.

Trước khi theo ông Ba về nhà. Thầy Ngọ đưa cho Thoa mấy lá bùa, dặn dán lên mấy ô cửa chính ra vào, dán cả ngoài chuồng gà, chuồng lợn, nhà bếp, nhà ngang… đủ cả, mỗi chỗ một lá. Lá còn lại, bảo Thoa đưa cho chồng đeo nó nên người. Đúng 100 ngày thì đem đi đốt. Bệnh tật của Khánh sẽ giảm và khỏi dân.

Thoa vui mừng khôn xiết. Cô về nhà làm theo những lời thầy Ngọ dặn. Hôm sau thấy Khánh khỏe lên trông thấy. Cô nhìn con lợn sống sót trong chuồng, tự nhủ:

“ Ngày mai, tao cho mày lên thớt. Phân chia cho những nhà tao đã bán hôm trước. Bù vào miếng thịt lợn nhiễm sán hôm trước. Xem như chuộc lại lỗi lầm.”

Quả nhiên, Thoa làm vậy thật. Bù cân lòng cho nhà ông Vinh, chạy quanh làng phân phát thịt lợn. Gần trưa cô đạp xe về, lòng chợt cảm thấy nâng nâng, nhẹ bẫng.

Kể từ đó, thôn Đoài bình yên hơn hẳn.

Hết!
……………………………………………………………………
** “Xướng Ca Vô Loài” là một quan niệm của Nho giáo và là một thành kiến sai lầm thời phong kiến. Ý của câu nói này là những người làm nghề ca hát thì hoàn toàn mất hết nhân phẩm, bị khinh rẻ, không thuộc tầng lớp nào trong xã hội phong kiến.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.