Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 1



Thời binh đao, chiến loạn liên miên, tai hoạ chồng chất, xác chết đầy đồng, người tử nạn do không được người thân chôn cất tử tế, gọi nhập hồn nhập vào thân xác nên sau khi chết vong hồn họ sẽ xuất ra khỏi thân thể và trở thành những hồn ma bóng quế, thoắt ẩn thoắt hiện vất vưởng tạm bợ. Có những hồn ma bóng quế ôm mãi chắp niệm không buông nên biến thành những ngạ quỷ lưu lại trên nhân gian. Cũng có nhiều vong hồn không may mắn đã rơi vào tay những gã thầy bất nhân, bị ép trở thành âm binh cho mình sai khiến, mãi không thể siêu thoát. Bởi trong giới đạo hạnh luôn tôn tồn tại giữa chánh và tà.
……..

Trời sáng bảnh mắt, lão Thụ còn ngồi ung dung trên hiên kéo nõ điếu cày vang lên đều đều. Bà Ngát thấy vậy thở dài, cúi xuống vét sạch máng cám lợn chuẩn bị đổ xô cám mới. Bỗng có gọi ngoài cổng dội tới làm bà khựng tay:

– Ông bà Thụ có nhà không?

Khi liếc ra ngoài sực nhận ra đó là bà mai người trong thôn. Nhưng không biết bà ta hôm nay đến nhà mình làm gì. Nghĩ vậy thôi, bà Ngát vẫn rướn cổ lên hỏi:

– Ấy dà, bà mai mối hôm nay sang nhà tôi sớm thế có chuyện gì không?

Bà mai mối thấy cổng không đóng, tự nhiên đẩy cổng te te bước vào, mặt mày hớn hở vui như đi trẩy hội, đứng giữa sân trầm giọng nói:

– Sang đây sớm vì sợ ông bà không có nhà.
Lão Thụ rót bát nước chè đẩy ra trước mặt, ngoắc bà mai lại và bảo:
– Có chuyện gì thì qua đây uống hớp trà xanh nhà tôi vừa hãm trước cái đã.
Bà mai cười hì hì, nhanh nhảu bước đến ngồi bên kia đối diện với lão Thụ, nét mặt tự dưng đanh lại, nghiêm mặt nói:
– Đứa con gái lớn nhà ông bà năm nay cũng phải ngoài hăm mươi rồi đấy nhỉ? Thế đã có mối nào dòm ngó chưa?

Bà Ngát cũng đi vào, ngồi phịch xuống bậc tam cấp rầu rĩ, trả lời:

– Có thì có rồi đấy bà mai ạ, cơ mà cái thằng Tranh nó tệ bạc quá. Trước khi nó thoát ly vào miền Nam lập nghiệp, hai đứa đã thề non hẹn biển với nhau rằng chỉ đi 3 năm thôi rồi sẽ về cưới con bé Mị nhà tôi. Ấy vậy mà gần bảy năm nay nào có thấy mặt mũi nó về làng đâu. Khổ cái con bé Mị nhà tôi là đứa chung thuỷ, dù hai vợ chồng tôi khuyên bảo cỡ nào thì nó nhất quyết đợi thằng Tranh về.

Lão Thụ gật gù, nói tiếp lời vợ:

– Bà nhà tôi nói phải đấy, bên đàng trai cũng bảo con bé Mị đừng đợi nữa kẻo lỡ xuân thì, cơ mà nó vẫn một lòng yêu với đợi thằng Tranh.

Bà mai mỉm cười, chẹp miệng, thở dài:

– Haizz…thời buổi này mà kiếm ra một cô gái đẹp người đẹp cả nết lại chung thuỷ như cái Mị, thì khó kiếm lắm.
Sực nhớ ra chuyện gì đó, lão Thụ ngồi thẳng lưng nhìn chăm chăm vợ mình, lo lắng hỏi:

– Mà hai đứa con gái nhà mình chúng nó đi đâu cả rồi bà nhể? Mới sáng ra cấm thấy mặt mũi chúng nó đâu.

Bà Ngát:

– Con Mị đi chợ bán mấy cặp gà từ sớm, còn con Sa ra ngoài đồng tưới rau, để tí nữa nắng lên tưới tát không kịp rau héo rũ.

Bà mai mối xen vào, cắt ngang:

– Ông bà này, hôm nay tôi sang đây là có chuyện muốn thưa với ông bà đấy.

Lão Thụ rít thêm điếu thuốc, đập tay lên miệng điếu bộp bộp, nhả ra làn khói trắng muốt rồi hỏi:

– Bà có chuyện gì cứ nói toẹt ra xem nào. Tính tôi chúa ghét kiểu nói chuyện úp úp mở mở.

Bà mai mối cười hơ hớ, vỗ tay xuống đùi “đét” cái, chỉ chờ có vậy nói thẳng luôn vào vấn đề:

– Chuyện là như này, ông bà nghe xem có ổn không thì chúng ta bàn tiếp.
Hai vợ chồng lão Thụ nhìn nhau, rồi lại nhìn sang bà mai khẽ gật đầu:
– Nói đi!
Bà mai chẹp lưỡi:
– Nhà họ Tô ở đầu làng mình đấy ông bà, có hai cậu con trai năm nay cũng đã đến tuổi lấy vợ. Thấy con bé Mị là cô gái ngoan hiền nết na, nên nhờ tôi sang đây đánh tiếng hỏi xem ông bà có đồng ý gả cái Mị cho con trai lớn nhà họ không?

Lão Thụ vuốt chòm ria mép, vẻ mặt đăm chiêu, lúc sau ngước lên hỏi:

– Ý bà muốn nhắc đến nhà lão Thái hay nhà lão Luân?

Bà mai hề hề, đáp lời:

– Nhà ông Luân mới có hai đứa con trai chứ, nhà lão Thái có một thằng mà thôi.

Bà Ngát ngẫm nghĩ một lúc, lên tiếng:

– Nhà họ Tô mở xưởng làm đồ gốm đấy phải không?

Bà mai gật đầu:

– Vâng..vâng. Đúng rồi, cái Mị mà gả vào đấy thì khác gì chuột sa chĩnh gạo. Thôn mình nằm sát biên giới nên giao thương buôn bán nên nhà họ làm ăn được lắm. Nhà họ Tô lại nổi tiếng với nghề làm gốm và làm hàng hàng mã thủ công. Cả xứ này có ai mà không biết đến danh tiếng nhà họ Tô.

Lão Thụ cười khà khà, nói bâng quơ:

– Gia thế hiển hách thế tôi tưởng phải kén đứa con gái nào có gia cảnh tốt ngang hàng với gia đình họ chứ? Sao lại để mắt tới cái Mị nhà tôi?

Bà mai cười, giấu nhẹm đi nét bối rối, sắc mặt nhanh chóng hài hòa trở lại, giải thích:

– Ôi dào, nhà họ giàu có thì họ bảo chỉ cần con dâu ngoan hiền, về lo toan sản nghiệp cùng con trai họ và trông giúp cửa hàng mà thôi, chứ ối đứa con gái giàu có đấy chứ, cơ mà tính nết họ kênh kiệu lắm.

Nhà họ Tô thì lão Thụ còn lạ gì. Họ giàu từ thời ông bà cố để lại tới bây giờ, tổ tiên gia đình họ Tô từ Trung Quốc chạy nạn sang mảnh đất cằn cỗi này lánh nạn và gầy dựng lại sự nghiệp. Không biết do họ giỏi, sẵn có máu kinh doanh trong người hay do may mắn mà công việc làm ăn của họ ngày một phất lên như diều gặp gió. Đến đời lão Luân, lão Thái là đời thứ ba, còn đời con trai họ là sang đời thứ 4. Có câu” chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” ấy vậy mà công việc làm ăn của gia đình lão vẫn ngày một hưng thịnh.

Lão Thụ quay sang hỏi vợ:

– Bà tính sao? Có gả hay không?
Bà Ngát thì thương con gái, chuyện lấy chồng là hạnh phúc cả đời nên đâu thể vì thấy vinh hoa trước mắt mà đem con gả đại. Bà nói:
– Đợi cái Mị về tôi thử hỏi ý kiến nó xem sao, nếu cái Mị không ưng thì người làm mẹ như tôi cũng không ép.
Lão Thụ xưa nay tuy là người ăn nhậu bê tha, bỏ bê vợ con lười lao động, nhưng thấy lời vợ mình nói có lý, cũng ậm ừ cho xong:
– Vậy thì tùy bà với cái Mị, nó ưng đâu tôi gả đó. Còn về chuyện thằng Tranh, bảo nó quên cái thằng phụ bạc ấy đi. Biết đâu nó có vợ con trong miền Nam rồi cũng lên. Haizzz…

Trước khi ra về, bà mai còn bồi thêm mấy câu mở ra viễn cảnh giàu sang khi được gả vào gia đình hào môn cho hai vợ chồng lão Thụ nghe, rồi mới yên tâm ra về. Khi ra đến cổng, bà ta khựng lại khi thấy Sa vác cuốc đi làm đồng về, ánh mắt dò xét quan sát Sa một lượt từ đầu đến chân, xong cười hề hề nói với cô.

– Sa đi làm về đấy hả cháu.
Sa biết tiếng tăm về người đàn bà này, nếu không phải vì chuyện mai mối thì bà ta đời nào vác mặt đến tận đây. Song cô không đả động gì đến chuyện đó, chỉ đáp lại bằng nụ cười hài hoà và câu nói:
– Vâng, bà mai sang nhà cháu chơi đấy ạ.
Bà mai gật đầu:
– Ờ, bà sang thăm bố mẹ cháu. Thôi trời sắp trưa rồi, bà về đây kẻo không kịp nấu bữa cơm trưa.
Trong lòng Sa dâng lên cảm giác có chuyện gì đó, liền tức tốc vác cuốc bước vào nhà.
—-
Tối đến, cơm nước xong xuôi. Lão Thụ cho gọi hai đứa con gái ra và bảo:

– Hồi sáng bà mai sang đây đánh tiếng đấy, hỏi gả cái Mị cho thằng Điền nhà họ Tô. Ý bay thấy sao cứ nói với thầy bu một tiếng.

Hai chị em nhìn nhau. Mị rưng rưng nói trong nước mắt:

– Dạ, con lạy thầy bu, nếu thầy bu thương con thì cho con chờ đợi anh Tranh thêm một năm, khi đó vẫn không thấy anh Tranh về, con xin nghe theo sự sắp đặt của thầy bu. Dù sao nếu anh Tranh không quay về thì tim con cũng nguội lạnh rồi, gả cho ai do thầy bu định đoạt.

Sa nói đỡ cho chị gái:

– Thầy bu cho chị con cơ hội đi ạ. Chứ bây giờ mà thầy bu gả chị Mị đi khác nào đẩy chị con vào cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Lão Thụ buông tiếng thở dài.

Bà Ngát chẹp miệng, thương con gái tuổi xuân đang qua đi mà người yêu vẫn bặt vô âm tín. Bà nhìn chồng, ánh mắt đang van nài chồng mình. Lão Thụ thấy vợ con không đồng ý nên cũng không gượng ép.

Lão chẹp miệng:

– Thôi thì trước mắt cứ vậy đã. Có điều thầy không đồng ý để qua năm đâu đấy nhé. Giờ sắp tháng bảy rồi, nếu đến tết nguyên đán mà thằng Trang không về, qua năm sau thầy bu phải gả bay đi thôi. Con gái con đứa, sắp hăm năm rồi còn gì nữa, nào còn trẻ chung gì đâu mà chờ với chả đợi.

Ở các vùng nông thôn, đặc biệt những ngôi làng nằm sâu trong núi giáp ranh biên giới như thôn Gia Long này thì con gái được gả đi sớm lắm, cứ tầm mười tám, đôi mươi cha mẹ đã lo gả con gái đi kẻo sợ bị ế. Hoạ hoằn lắm mới có hộ để con gái lớn ngoài hai mươi trong nhà, bởi tầm tuổi đó người ta cho rằng đã bước sang tuổi ế. Thậm chí có gia đình còn tảo hôn, con gái chưa đủ tuổi đã lo gả đi. Vậy mà nhà lão Thụ có tới hai cô con gái đã bước sang độ tuổi ngoài hai mươi. Đó cũng là điều lão lo canh cánh trong lòng, mỗi khi trong người vắng men rượu.

Thời gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc tết nguyên đán cận kề về đến các thôn làng. Mị vẫn vậy, vẫn nét đẹp mộc mạc như xưa không hề bị thời gian làm cho lão hoá.

Tối hôm đó, có đoàn hát tuồng về thôn xin biểu diễn. Mị và Sa cơm nước xong xuôi cả hai chị em xin phép thầy bu cho mình đi xem hát. Họ dẫn nhau hòa mình cùng đám thanh niên trong thôn, tiến thẳng về nhà văn hoá ngoài đình.

Lúc đoàn kịch hát được một nửa, Mị nói với Sa:

– Sa này, chị mắc tiểu quá, em xem đi chị tìm chỗ đi giải quyết cái bụng đã nhé.

Sa mỉm cười:

– Chị Mị đi đi, đằng kia bãi cỏ hoang, chị ra đó mà tiểu.

– Ừ..ừ..! Đợi chị tí, chị quay lại liền.

Mị tách ra khỏi đám đông, đi ra bãi đất trống tìm một chỗ để giải quyết cái bụng đang căng cứng. Vừa định kéo quần lên thì thình lình một bóng đen nhảy vọt ratu bụi cây rậm rạp cạnh đó, khống chế Mị ép sát vào người hắn, tay đưa lên bịt miệng để Mị không thể thốt ra tiếng kêu cứu. Cứ thế, hắn lôi Mị đi sâu vào bãi đất hoang mà không một ai hay biết.

Trời tối đen như mực…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.