Người Âm Mai Mối

Chương 2



“ Bà nội, ở dưới giếng có xác con Quạ chết, nội ạ.”

Cụ Doãn chống gậy đi ra, ngó xuống dưới quan sát, quả nhiên không chỉ có xác một con Quạ chế.t, mà có tới 8 xác con quạ đen nổi lập lờ trên mặt nước trong vắt còn in rõ cả hình người mỗi khi nhìn xuống.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Quạ đen là loài vật gắn liền với điềm gở hoặc điềm vận hạn sắp đến. Người ta cho rằng, Quạ đen cất tiếng kêu 7 lần gần nhà ai thì nhà đó sẽ có nam giới chết, Quạ kêu 9 tiếng thì nữ giới sẽ gặp nhiều tai ương nguy hiểm.

Nghĩ đến đây, cụ Doãn chẹp lưỡi thở dài:
“ Không sao đâu cháu à, một lát nữa các chú, bác hàng xóm sang đây dự đám tang, nội sẽ nhờ các bác vớt nó lên.”

Nói xong, cụ Doãn chỉ ra chỗ mấy cái chum chứa nước mưa, nói với Tường Vân:” Cháu tạm thời múc nước trong chum dùng trước đi, xong rồi dắt em vào nhà ăn sáng.”

Không đợi Tường Vân trả lời, nói xong cụ Doãn quay người đi vào nhà.

Một lúc sau, hàng xóm bắt đầu sang nhà để đợi giờ lành đưa tiễn chú Mười về nơi an nghỉ cuối cùng. Thím Mười thấy hàng xóm sang ngày một đông, càng ra vẻ tiếc thương chồng gào khóc lớn hơn. Ai đứng đó chứng kiến cảnh vợ góa con thơ quỳ gối trước linh cữu chồng, cha, cũng đều cảm thấy thương xót vô cùng cho số phận của hai mẹ con thím Mười.

Cụ Doãn không khóc tiếc thương con, dường như nước mắt cụ chảy ngược vào trong. Có ai lại muốn trông thấy cảnh người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh đi bao giờ, trong lòng cụ Doãn buồn lắm, nhưng vẫn cố giấu đi những giọt nước mắt đang thương nhớ người con trai xấu số của mình đến xé lòng.

Bà Loan là người trong làng có căn số, xây điện thờ Thánh Mẫu trong nhà hành nghề cúng bái. Hôm đưa chú Mười đi chôn bà Loan cũng có ghé sang thăm viếng. Khi nhìn thấy mấy thanh niên trong làng vớt xác Quạ chế.t, bà Loan hai mắt trợn ngược, mở trừng trừng chỉ tay vào đó phán như thật.

“ Tại sao có tới 8 xác con Quạ chế.t thế kia? Thế này thì nguy to rồi!”

Đám thanh niên trong làng không ai để ý đến những lời bà thầy cúng nói ra, họ vẫn miệt mài làm lốt cho xong công việc rồi còn về. Một người trong số đó chỉ trỏ ngón tay đếm xác Quạ, rồi ngước lên sửng sốt hỏi:

“ Ơ, sao bà biết chính xác là 8 con Quạ? Bọn cháu giờ mới vớt xong lên thôi mà.”

Bà thầy cúng trợn mắt trắng dã, hết nhìn vào nhà, lại nhìn sang chỗ chị em Tường Vân, chỉ tay vào mặt hai chị em con bé nói như ma nhập:

“ Con bé này, nó.. nó..sẽ gặp kiếp nạn.”

Nói dứt câu, bà thầy cúng đưa tay lên ôm đầu ngồi thụp người xuống rên rỉ:
“ Trời ơi, đầu của tôi, đầu của tôi, đau..đau..đau quá.. đau chết mất!”

Mấy thanh niên nhìn bộ dạng của bà ấy tỏ ra sợ hãi bà thầy cúng hơn sợ những lời bà ấy vừa mới nói ra. Lúc ấy, bác trưởng thôn đi vào và nói:

“ Hai cậu đưa bà ấy về nhà đi, ốm đau bệnh tật hay có bệnh trong người thì người ta kiêng cữ không tới đám ma. Bà là thầy cúng chẳng nhẽ không hiểu chuyện đó.”

Bà thầy cúng ngước lên, ôm đầu nhăn nhó lắp bắp nói:” Tôi..tôi…”

“ Thôi, cho mấy đứa nó đèo bà về. Có chuyện gì để sau hẵng bàn.”

Lời của bác trưởng thôn tựa như bác ấy đoán ra được điều gì đó không may mắn sắp xảy. Vẻ mặt suy tư còn hiện rõ trên gương mặt đầy vết chân chim của ông ấy.

Bác trưởng thôn nhìn theo bóng dáng bà thầy cúng đi khuất sau rặng tre ngoài cổng, buông tiếng thở dài não lòng.

“ Chị Mười, có mời thầy về chọn giờ lành đưa chú ấy đi chưa?”

Thím Mười ngước đôi mắt sưng húp lên nhìn bác trưởng thôn, khẽ gật đầu:
“ Dạ, hôm qua mẹ tôi có mời thầy cúng ở làng kế bên về xem giờ đem đi chôn cất rồi bác.”

“ Thế sắp tới giờ đưa chú ấy đi chưa? Hôm qua tôi bận đám giỗ bên nhà vợ, thành ra chưa sang thắp cho chú ấy được nén nhang.”

Thím Mười đưa tay áo lên gạt nước mắt, nói:” Thầy bảo 8h sáng.”

Bác trưởng thôn móc chiếc đồng hồ cũ kỹ trong túi ra nhìn, chẹp lưỡi nói lẩm nhẩm trong miệng:” Cũng sắp đến giờ rồi.” Rồi ông ấy cất lại chiếc đồng hồ vào túi, ngước lên nhìn bà con xung quanh đang bận bịu chân tay mỗi người một việc, nói với họ:” Xưa nay, làng ta luôn xem trọng tình nghĩa bán anh em mua láng giềng gần. Hôm nay chú Mười chẳng may mất sớm, gia đình chú ấy cũng chẳng khá giả gì, nên bà con giúp được gì hãy tới giúp thím Mười một tay, đưa tiễn chú Mười về nơi an nghỉ cuối cùng. Các cụ cũng có câu, nghĩa tử là nghĩa tận mà phải không bà con.”

Nhiều người đứng đấy nghe bác trưởng thôn nói xong gật đầu lia lịa. Đúng 8h sáng, chiếc áo quan của chú Mười được bà con lối xóm cùng người thân khiêng lên xe táng đẩy ra đồng chôn. Suốt cả buổi đưa tiễn chú Mười đi không hề xảy ra bất cứ điều gì bất thường, ngược lại còn rất suôn sẻ.

Buổi chiều, bác trưởng thôn sang nhà bà thầy cúng hỏi thăm. Vừa thấy bác trưởng thôn đến bà ấy vội ngồi bật dậy, xua xua tay, nói như muốn từ chối tiếp chuyện và muốn đuổi ông ấy về:

“ Tôi không biết gì cả đâu, bác đến đây làm gì?”

Bác trưởng thôn thở dài, ngồi xuống bàn uống nước nhìn bà ấy nói:

“ Nào tôi đã hỏi gì đâu, sao bà phải từ chối. Hôm nay sang đây chỉ muốn hỏi thăm sức khoẻ bà thế nào thôi. Làm gì căng?”

Chồng bà thầy cúng tay xách ấm nước từ dưới bếp đi lên, cất tiếng hỏi:” Bác trưởng thôn sang thăm nhà em đấy hử? Mời bác ngồi chơi, xơi nước.” Ông ấy đặt ấm nước xuống bàn, rót cho bác trưởng thôn một chén trà vẫn còn nóng hổi, đẩy sang trước mặt rồi bảo:

“ Đến khổ bác ạ, cứ khùng khùng điên điên như vậy đấy bác ạ. Gia đình tôi cũng bó tay, chẳng biết phải đưa bà ấy đi đâu chạy chữa nữa. Đi bệnh viện thì không ra bệnh, đi chữa đường âm thì các thầy phán có căn số, người khuất mặt hành cho điên dại, nếu không thỉnh Mẫu hay khai mở thiên..thiên..gì đấy vì bị bề trên bắt đi.”

Chuyện này không chỉ mình bác trưởng thôn mà cả làng này đều biết rất rõ. Bà Loan trước đây là một phụ nữ khỏe mạnh, hoạt bát như bao người khác. Cho đến một hôm, bà ấy bỗng dưng tự phát điên, ngày đêm cứ luyên thuyên lảm nhảm nói chuyện một mình, hết sai con cái đi làm việc phục tùng mình, chán chê lại quay sang đấm đá trách móc mắng nhiếc chồng. Có hôm, nửa đêm chồng bà ấy còn phải mở cửa tháo chạy ra ngoài, khi đó ông ấy kể bị bà Loan vợ mình cầm dao dí chạy xung quanh nhà. Gia cảnh nhà bà Loan cũng chẳng khấm khá, nhưng sống với nhau mấy chục năm nên thấy vợ mình bị bệnh ông ấy cũng xót. Đành gom hết tiền bạc trong nhà đưa bà Loan ra Hà Hội khám chữa. Thế nhưng, bác sĩ kết luận bà Loan chỉ bị stress do làm việc quá sức, về nhà nghỉ ngơi sẽ khỏi bệnh. Ông ấy lại đưa vợ về, thuốc uống sắp vơi mà tinh thần của bà Loan càng trở nên bấn loạn. Không đập đồ đạc trong nhà thì cũng lôi hết quần áo trong tủ ra cắt nát. Ngày đó, chẳng biết ai mách nên ông ấy lại đưa bà Loan đi xem thầy, ông thầy xem xong phán bà Loan có căn số, phải tới các chùa lớn để thỉnh Mẫu về lập điện thờ cúng, khi đó Mẫu độ cho sẽ hết bệnh. Mới đầu chồng bà Loan cũng không tin, vì con số tiền cúng ông bà phải bỏ ra không hề nhỏ. Vì thương vợ, ông lần nữa đi vay mượn anh em bà con dòng họ, mãi mới đủ chi phí cho bà Loan đi thỉnh Mẫu về thờ.

Có người độc miệng cho rằng bà Loan bị ma nhập. Đi xem thầy chỉ tổ tốn tiền vào mấy trò mê tín dị đoan.

Chẳng biết bên nào đúng, bên nào sai, nhưng sau khi bà Loan được ông thầy kia cúng cho và bày cách thỉnh Mẫu lập điện thờ Thánh Mẫu, thì bệnh tình bà ấy thuyên giảm hẳn, đến giờ gần như khoẻ lại hoàn toàn. Lâu lâu bà ấy nói ra những gì mình nhìn thấy và tiên đoán được, kẻ tin người bán tín.

Sau chuỗi ngày phát điên, lập điện thờ Thánh Mẫu xong đâu đấy, bà Loan bắt đầu xem số cho người khác, nhưng lại thiên về cúng bái nhiều hơn.

Ông trưởng thôn nhấp ngụm trà xong, đặt xuống bàn ngẩng lên nói với chồng bà thầy cúng.

“ Thú thực với ông bà, hôm nay tôi sang đây là có chút việc muốn nói.”

Bà thầy cúng nghe vậy ngồi bật dậy, nhìn bác trưởng thôn, hỏi:

“ Là chuyện gì? Chẳng nhẽ là chuyện 8 con Quạ chế.t dưới giếng nhà thằng Mười?”

Bác trưởng thôn thở dài, trầm giọng kể lại:

“ Trước hôm thằng Mười mất, tôi gặp nó ở ngoài đồng. Nó than vãn với tôi rằng, vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn bất hòa ngay sau khi đón hai đứa cháu con anh trai về nuôi. Tính nết cái Mười chanh chua ghê gớm thì cả cái làng này có ai mà không biết, nhưng chuyện nó ngược đãi hai đứa bé mà thằng Mười kể tôi cũng lấy làm xót và bất bình. Chẳng gì thì mẹ con bé Tường Vân lúc còn sống cũng thuộc anh em họ hàng xa bên dòng họ nhà tôi cả, thân lại làm trưởng thôn, thấy những chuyện đó tôi không thể khoanh tay đứng nhìn.”

Bà Loan thầy cúng liếc nhìn bác trưởng thôn, hỏi:” Vậy ông muốn vợ chồng tôi giúp gì?”

Bác trưởng thôn, nói:

“ Đó chưa phải việc chính tôi sang đây. Đêm hôm chú Mười xảy ra việc tôi có nằm mơ thấy bố mẹ con bé Tường Vân tới nhà tìm tôi cầu cứu. Tôi nghe không rõ lời cô ấy nói, đại khái câu được câu mất, gì mà hãy đón con bé về nuôi, rồi đừng cho con bé tới gần ngôi nhà hoang. Chưa kịp hỏi thêm thím ấy câu gì, lúc ấy con gà trong chuồng cất tiếng gáy, làm họ nhanh chóng biến mất.”

Bà thầy cúng nghe xong gật gù, nói:

“ Tôi hiểu ý của bác trưởng thôn rồi, bác muốn tôi gọi hồn chú thím ấy lên để nói chuyện đấy hả?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.