Người Âm Mai Mối

Chương 42



Trời càng về khuya gió thổi càng lạnh.

Thuỳ Dung đang nằm ru mình vào giấc ngủ, bỗng một bóng đen thù lù xuất hiện. Người này cô không nhìn thấy rõ mặt, chỉ thấy rõ chân, tay mọc đầy lông lá lồm xồm, đang lướt đến về phía cô nằm ngày một gần. Khi đó cô muốn la lên thật lớn gọi mẹ nhưng thật kỳ lạ cổ họng cô nghẹn cứng, tựa như có người bịt lại cố không cho cô phát ra tiếng động.

Chân tay mình mẩy cứng nhắc, cũng không thể cử động hay nhúc nhích.

Bóng đen nằm bên cạnh cô, nghiêng người áp sát khuôn mặt không rõ hình thù vào gương mặt đang lấm tấm đổ mồ hôi của Thuỳ Dung. Khoảng cách cho dù có gần là vậy, thế nhưng gương mặt ma quái kia trông quá đỗi mơ hồ.

Thuỳ Dung nằm bất động.

Đúng lúc đó, thím Mười từ buồng ngủ bên kia bước ra chợt sững người khi nhìn thấy cái bóng đen nhẻm đang nằm nghiêng bên cạnh con gái mình. Người đó đưa ống tay áo lên quạt phe phẩy trước mặt Thuỳ Dung, tựa như muốn hong khô những giọt mồ hôi đang lấm tấm đổ trên trán.

Toàn thân thím Mười run lẩy bẩy, hai chân vốn đã yếu do bệnh đau xương khớp hoành hành, thì giờ đây nó muốn mềm nhũn ra, không đủ sức đứng vững. Thím Mười lảo đảo lùi lại, xém chút ngã, cũng may tay kịp bấu vào thành chiếc ghế đẩu, vịn chắc làm điểm tựa cân bằng cơ thể.

Bóng đen nghe thấy tiếng động thình lình nhảy vọt xuống đất. Đi ra ngoài theo lối cửa chính, lúc ra đến cửa thì dừng lại, ngoảnh cổ vào nhìn thím Mười chằm chằm. Song thím Mười lại không trông thấy rõ mặt hắn.

Bóng đen biến mất.

Thím Mười thở phào nhẹ nhõm nhưng tim vẫn đập thình thịch, như thể muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, tay còn lại đưa lên vỗ ngực thùm thụp.

Sau khi định thần xong, thím Mười vội vàng chạy đến lay lay gọi con gái dậy:

– Thuỳ Dung, dậy đi con.

Thuỳ Dung giật mình choàng tỉnh. Hai mắt mở to tròn nhìn trân trân lên mái nhà, đôi bầu ngực nhấp nhô theo nhịp thở phì phò. Toàn thân nhẹ tễnh, chân tay đã bắt đầu có cảm giác, cổ họng cũng không còn bị nghẹn cứng nữa.

Bấy giờ cô mới lên tiếng nói với mẹ:

– Mẹ, hình như con vừa bị ma đè.

Thím Mười lo lắng, hỏi:

– Con nhìn thấy tận mặt nó không?

Thuỳ Dung lắc đầu:

– Không! Con chỉ thấy người ngợm nó đầy lông lá chứ mặt mùi ra sao con không trông thấy rõ.

Nghe con gái tả về bóng ma thím Mười lại nghĩ ngay đến bóng ma năm xưa. Họ vẫn tồn tại trên mảnh đất này chứ chưa hề bỏ đi. Mỗi lần nghĩ đến chuyện mình và con gái liên tục bị ma đè lại khiến thím Mười thêm sợ hãi.

Hai mẹ con ngồi bên nhau thu gọn vào vách tường, ánh mắt đảo nhìn xung quanh khắp gian nhà, thế nhưng bóng đen khi nãy đã biến mất. Cảnh vật im lìm đến rợn người.

– Mười đâu? À không, con Thuỷ đâu. Ra đây tao bảo.

Tiếng chú Công từ ngoài sân vọng vào làm cả hai mẹ con thím Mười giật mình. Thím Mười hoảng hốt tụt xuống khỏi giường, nói với con gái:

– Bố con về đấy. Ông ấy đang say đừng có chọc ngoáy động vào tổ ong, kẻo lại thiệt thân. Thôi, nghỉ ngơi sớm đi, mẹ ra ngoài xem sao.

Thuỳ Dung níu mẹ lại và nói:

– Sao mẹ không bỏ quách ông ta đi cho xong, việc gì phải ôm rơm cho nặng bụng.

Thím Mười khựng chân sau câu nói của con gái. Sở dĩ thím ấy còn sống bên cạnh chú Công tới tận bây giờ cũng là do trong lòng thím ấy luôn sống trong day dứt, khi năm xưa đã ra tay sá/t hại vợ con chú ấy, khiến một gia đình đang yên bình bỗng chốc bị đổ vỡ, âm dương cách biệt. Vì vậy mà thím Mười không lỡ xa chú Công, cứ nghĩ mình mắc nợ và muốn bù đắp cho chú ấy một gia đình trọn vẹn. Chỉ là trong cuộc sống có nhiều việc lại không theo ý mình mong muốn.

Thím Mười thở dài. Nói:

– Mẹ không sao. Chỉ cần chú ấy không động vào các con của mẹ, thì bao nhiêu ấm ức mẹ xin chịu.

Nói dứt câu thím Mười đi ra ngoài sân. Chưa kịp đánh tiếng hỏi thăm đã bị chú Công quở trách:

– Cô làm cái quái gì trong nhà mà không nghe thấy tôi gọi bên ngoài à? Hay mẹ con cô giấu trai trong nhà sợ thằng này phát hiện ra? Hừm! Người ta có câu, nhà dột, dột từ nóc.

Thím Mười bặm môi, sắc mặt không mấy vui tươi, song thím ấy vẫn cố kiềm chế cảm xúc thật của con người mình vào trong, vì những lúc như vậy thím lại nghĩ” không chấp gì kẻ say.” Bởi mỗi khi tỉnh rượu thì chú Công nói chuyện với thím rất nhẹ nhàng.

– Cô còn đứng đó. Cơm nước còn gì ăn không mau dọn lên cho tôi.

Thím Mười:

– Vâng, còn nồi cá kho và rau dưa muối. Anh ra giếng rửa mặt cho mát, em đi hâm cá rồi dọn cơm lên hiên cho anh ăn.

– Giờ này còn hâm với chả nấu. Thế cô định cho thằng này ăn cơm sáng luôn hay sao?

– Vậy em đi dọn cơm lên cho anh ngay.

Những lời mắng nhiếc, đay nghiến này của chú Công nó xảy ra hằng ngày nhiều như cơm bữa, mà Thuỳ Dung nghe đến phát chán. Cô ngồi trên giường, gục mặt vào đầu gối, chỉ muốn gả quách cho chàng trai tốt bụng nào đó để thoát ra khỏi ngôi nhà và nỗi ám ảnh này.

Nghĩ đến đây Thuỳ Dung nằm vật xuống, úp mặt xuống gối để mong sao mình chìm vào giấc ngủ thật nhanh.

– Nhanh cái chân lên xem nào. Sao càng ngày tôi thấy cô càng trở nên chậm chạp thế hử?

Thím Mười ở dưới bếp nói vọng lên:

– Ờ thì em cũng có tuổi rồi mà, đâu phải con gái ngoài hăm mươi có sức khỏe vô biên như ngày xưa. Lại thêm bị thoái hoá khớp, chân tay yếu đi cũng là lẽ thường tình.

“ Choang..” tiếng ấm chén bay từ trên hiên bay xuống sân bị vỡ nát văng tung toé khiến thím Mười hoảng hốt ngó đầu ra.

Chú Công nghiến răng nhìn thím Mười chỉ tay vào mặt, quát:

– Còn dám đôm đốp đấy hử? Học ở đâu cái thối cãi chồng nhem nhẻm thế hả?

Thím Mười lắp bắp:

– Em..em..đâu dám.

Thím Mười vội bưng mâm cơm đặt trên hiên, rồi tay cầm cái bát vòng ra giếng mở vại dưa muối chua múc một bát lên cho chú Công ăn.

Khi mở nắp vại dưa chua, đôi mắt thím Mười sững lại nhìn trân trân vào trong vại. Lúc này trông vại dưa khác hẳn với lúc nãy thím múc lên ăn. Nó không còn vàng như trước, thay vào đó là những miếng dưa được cắt khúc thâm đen, sùi bọt nổi lềnh phềnh trên mặt nước, đã vậy còn bốc mùi khắm khú hôi thối vô cùng.

Thím Mười vẫn không tin vào mắt mình, bởi hồi chiều hai mẹ con vẫn lấy dưa muối ra ăn bình thường, vậy mà bây giờ nó đã bốc mùi. Thím Mười nghĩ vậy, bèn ghé mặt sát vào miệng vại dưa muối, đưa mắt nhìn vào. Một mùi khắm khú xen lẫn mùi chua loét xộc thẳng vào khoang mũi khiến thím Mười lợm cả cổ họng. Thím Mười toan nhấc mặt ra khỏi miệng vại dưa muối thì thình lình bốn cánh tay lớn bé, dài ngắn, trắng hếu từ dưới nước đội lớp rau dưa muối chồi lên, cứ thế bấu chặt đầu và tóc của thím Mười kéo thím xuống.

Thím Mười vùng vẫy cố nhấc đầu lên khỏi mặt nước, nhưng càng cố sức bao nhiêu thì bốn cánh tay ma quái kia lại càng cố dìm đầu mình ngập trong làn nước đen ngòm nhớp nháp. Chỉ đến khi tiếng của chú Công quát trên hiên thì bốn cánh tay kia mới chịu buông lơi.

– Cô chết ở ngoài đó rồi đấy hả Thuỷ? Làm gì mà lâu thế, nhanh lên không thì bảo, trời gần sáng mẹ rồi vẫn lấy chưa xong miếng rau. Hừ!

Thím Mười vùng lên, nước dưa văng tung toé, miệng mồm và cả tóc tai dính đầy rau, khắp người ngợm toàn mùi chua loét khắm khú. Vừa lấy lại được hỏi thở, sợ chú Công giận nên thím Mười ngoảnh lại trả lời:

– Anh Công đợi em tí, em xong rồi đây.

Thím Mười quay lại với cái bát không có gì, lẩm nhẩm lí nhí nói:

– Vại dưa em muối bị thối hết rồi, hay bữa nay anh ăn tạm một bữa không không có rau.

Chú Công tức giận, ném đôi đũa xuống mâm phồng mồm trợn mắt, quát mắng:

– Thôi dẹp đi, khỏi ăn uống gì nữa.

Nói xong chú Công đứng phắt dậy quay lưng bỏ vào nhà nằm ngủ. Bỏ mặc thím Mười với bao nhiêu cay đắng tủi hờn, chất chứa đầy trong lòng.

Thím Mười gạt nước mắt. Chậm rãi bước đến mâm cơm với mái tóc bết dính, lủi thủi dọn mâm đi.
—-

Trong khi ấy, ở bên nhà Tường Vân.

Có hai gã trộm cắp đang đứng ló rình mò ở bên ngoài hàng rào ngoài cổng. Một trong hai gã lên tiếng hỏi nhỏ:

– Nhìn nhà nó vậy liệu có tiền không?
Gã đi cùng đáp:
– Nhìn nhà đơn sơ vậy thôi chứ tao nghe nói dạo xưa bà Doãn bán mảnh đất của cậu con trai lớn được nhiều tiền lắm. Với lại con Vân nó xinh vậy kia mà, nếu nó rơi vào tay tao thì cứ gọi là nhai ngấu nghiến từ đầu cho đến chân.

He he he he..


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.