Trùng Tang Nhà Phú Thương

Chương 15: Người cõi âm mua hàng



Đi ra cổng thì ông lão dừng lại hỏi cậu gia nhân:

– Cô gái kia là ai?
Cậu gia nhân nhìn theo hướng tay ông lão chỉ, lễ phép đáp:
– Dạ, là tiểu thư út nhà ông chủ chúng cháu, cô tên Quế Yên.
Ông lão gật gù, đưa cho cậu gia nhân một mảnh giấy màu vàng được gấp thành hình tam giác rồi bảo:
– Cậu đưa cho chủ cái này, dặn cô đừng làm ướt nó và luôn phải đeo lên người. Có vậy mới mong xua đuổi được tà khí.

Cậu gia nhân vâng dạ làm theo rồi xin phép đi làm việc tiếp. Cũng qua lời cậu gia nhân thì ông lão được biết sở thích của vị tiểu thư này có chút hơi kỳ lạ. Từ năm cô tròn mười bảy tuổi, các bông hoa trong vườn đều được người hầu hái thả vào bồn tắm cho cô.

Ông lão nhíu cặp chân mày, bước chậm rãi ra cổng ông dừng chân lại trong giây lát. Lần nữa ông nhìn vào trong ngôi nhà rộng lớn nhà ông phú thương, chỉ khẽ lắc đầu rồi đi tiếp.

“ Lạ nhỉ, sao vị tiểu thư này lại chỉ thích tắm vào lúc nửa đêm?” Ông lão ra đi mang theo một dấu chấm hỏi.
—-
Sau vài ngày bị bỏ đói thì sức lực của Miên Lam và con bé Nhài gần như rơi vào kiệt quệ, sức cùng lực cạn, đôi môi lúc nào cũng căng mọng giờ trở nên khô héo.

Đang trong cảnh đói khát thì bỗng tiếng bước chân của cậu gia nhân chạy huỳnh huỵch vào thưa bẩm:

– Dạ bẩm ông, ngoài kia có toán người muốn xin vào nhà gặp ông bà chủ nói chuyện. Họ xưng là ông chủ Phan ở xã bên.

Nghe tới cái tên quen thuộc Miên Lam rướn cổ nhìn ra, song cô không dám lên tiếng vì sợ bị cha mẹ quở trách.

– Ông chủ họ Phan đó hả, người hay đặt vải nhà mình.

– Thưa vâng! Chính là ông ấy.

Lão Nghê phẩy tay:

– Ra mời ông ấy vào đây.

Cậu gia nhân cun cút nghe theo chạy ra cổng đón khách vào.

Thần thái của ông chủ Phan hôm nay khác hẳn thường ngày. Dạo trước, mỗi khi ông chủ Phan tới đây xem và đặt hàng thì luôn là người đạo mạo oai phong trong mắt người khác, vậy mà hôm nay có phần khúm núm khép nép.

Vừa vào tới nhà, chén trà chưa kịp uống, gia chủ chưa kịp hỏi chuyện đã bị ông chủ Phan gấp gáp hỏi:

– Cô ấy đâu? Con gái lớn nhà ông bà đâu? Bảo cô ấy ra đây tôi có chuyện muốn nói.

Nói xong, ông chủ Phan cũng chẳng đợi gia chủ đáp lời, lập tức đứng thẳng người nhìn ra ngoài, giơ tay lên vỗ đồm độp ba tiếng. Tức thì có đến năm, sáu người làm vác trên vai những cuộn vải thượng hạng đi vào.

Họ đứng ngay ngắn xếp thành một hàng ngang, mặt đứa nào đứa nấy đều sưng húp.

Hai vợ chồng lão Nghê ngạc nhiên nhìn nhau, rồi lại nhìn sang ông chủ Phan, tựa như đang muốn đợi một lời giải thích từ ông ấy.

Ông chủ Phan cười hề hề:

– Ông bà đây đừng ngạc nhiên thế chứ. Chẳng là mấy hôm trước có người tìm đến cửa tiệm nhà tôi đặt mua số vải vóc quý hiếm này giao đến đây cho cô chủ Miên Lam may lễ phục, chuẩn bị đám cưới cô ấy. Tôi nhận tiền của người ta rồi, hôm nay giao tới xem như đã hoàn thành giao thương.

– Ai? Là ai thế? Ai đã đặt vải cho nó ông có thể nói danh tính người ta ra được không?

Đào Thị ngơ ngác hỏi:

Ông chủ Phan gãi gãi đầu, mất hết vẻ hiên ngang ngạo nghễ vốn có:

– Là một người bí ẩn. Thứ lỗi với hai vị tôi không thể tiết lộ danh tính của khách hàng. Đó là quy định của cửa hàng nhà chúng tôi.

Vợ chồng lão Nghê – Đào Thị nhìn nhau.

– Thì ít ra ông chủ cũng phải tiết lộ chút ít về người đó chứ? Nếu không tôi sẽ không cho con gái nhận quà.

Ông chủ Phan lâm vào tình cảnh khó xử, nhăn nhó một lúc rồi cuối cùng cũng nói:

– Tôi cũng không rõ cậu ấy là người phương nào tới, nhưng cậu ấy nhấn mạnh rằng mua vải cho vợ sắp cưới may lễ phục. Hình như cậu ấy tên Ngô Quân Hào.

Nghe tới cái tên quen thuộc Ngô Quân Hào đi mua vải, không chỉ vợ lão Nghê – Đào Thị bị dọa cho hú hồn mà ngay cả Miên Lam, Vân Xuyên lẫn nhỏ Nhài được một phen kinh hãi.

Nhỏ Nhài đứng nép sau lưng Miên Lam, lay lay cánh tay cô chủ, lí nhí nói:” Cô chủ, chẳng phải cậu Quân Hào đã chế/t rồi sao? Làm sao cậu ấy lại tự đi mua vải cho cô chủ được?”

Miên Lam vỗ tay Nhài trấn an:

– Em đừng vội, để chốc nữa chị hỏi ông chủ Phan ngọn ngành mọi chuyện xem sao.

Con bé Nhài gật đầu, đứng lặng thinh không nói gì thêm, thậm chí còn không dám thở mạnh.

Lão Nghê kéo Đào Thị ra ngoài xầm xì to nhỏ:

– Mình này, chẳng phải thằng đó nó chế/t rồi sao? Người đã chế/t thì làm sao đi mua vải được.

Đào Thị mới đầu nghe cũng cảm thấy sợ, nhưng nhìn số vải đẹp đẽ kia mụ lại nổi lòng tham. Mụ gạt phắt chuyện lão Nghe vừa hỏi sang một bên, thì thầm nói với chồng.

– Là ai mua cũng mặc kệ, tôi làm sao quản được chuyện đó. Nhưng mà mình xem, đó toàn là vải cao cấp thượng hạng, không nhận thì phí lắm.

Lão Nghê hiểu lòng vợ đang nghĩ gì:

– Ôi dào! Người ta chỉ đích danh tên cái Lam chứ có phải tên con gái bà đâu mà tham.

Đào thị cười khẩy:

– Chúng nó là chị em với nhau, hơn nữa nó lớn tới chừng này đều do một tay chúng ta nuôi dạy chăm sóc, chẳng nhẽ nó lại tham lam đến nỗi không chia vải cho mẹ và em gái nó.

Lão Nghê ậm ừ:

– Mình nói vậy cũng phải, thôi thì tuỳ mình.

Họ lại dắt nhau quay vào. Vừa vào tới nơi đã thấy ông chủ Phan chộp lấy cánh tay của Miên Lam kéo cô đi xềnh xệch. Ra tới gốc cây bưởi thì họ dừng lại. Ông chủ Phan buông tay ra, mắt đảo nhìn tứ phía, sau khi thấy xung quanh không có ai ông ấy nhìn Miên Lam cười khổ:

– Cô chủ, là tôi sai. Tôi sai khi đã từ chối mua hàng của cô, còn làm khó cô nữa. Và tôi cũng sai khi nẫng tay trên món hàng cô định mua.

Nói đến đây ông ấy ngưng lại giây lát, móc miếng ngọc bội ra dúi vào tay Miên Lam rồi bảo:

– Đây, vật về với chủ. Nay tôi xin tặng cô miếng ngọc này xem đó là món quà nhỏ tặng cô trong ngày cưới.

Miên Lam ngạc nhiên không dám nhận, cô đẩy miếng ngọc lại vào tay ông chủ Phan mà rằng:

– Không, cháu không thể nhận nó. Chú đã tốn không ít tiền để mua nó, vậy làm sao cháu có thể nhận.

Mồ hôi lạnh trên trán ông Phan túa ra, ông ấy nhăn nhó nói với cô, khuôn mặt trông khắc khổ vô cùng:

– Cô nhận đi, cô chủ mà không nhận nó thì gia đình tôi nay mai sớm rơi vào cảnh nhà ta cửa nát. Kể từ khi tôi mua miếng ngọc này từ cửa tiệm bán đồ cũ mang về, thì nhà tôi ngày nào cũng xảy ra chuyện. Còn chuyện số vải cô chủ trở tới, người âm báo mộng với tôi rằng nếu không đến đây chuộc lỗi thì cậu ấy sẽ ám người thân của tôi tới già. Ban đầu tôi còn không tin, nhưng thằng bé cháu nội tôi mỗi đêm vào giờ tý cứ khóc ré lên bảo nhà mình có ma, nó khóc kéo dài cho tới lúc 3h sáng có tiếng gà gáy vang lên mới chịu thiếp đi. Không chỉ có vậy, cửa hàng buôn bán ế ẩm hẳn, nó còn bỗng phát hỏa khiến số vải trong kho bị cháy rất nhiều, may mà chúng tôi phát hiện sớm chứ nếu không nhà kho đã biến thành nơi hoang tàn.

Nói xong ông chủ Phan lại dúi miếng ngọc vào tay Miên Lam, tha thiết xin cô nhận lấy nó.

Khi đó, Vân Xuyên và nhỏ Mơ đứng rình hai người sau gốc cây, nhỏ Mơ thì thầm hỏi như sợ bị ai đó phát hiện:

– Tiểu thư, hai người họ làm cái gì mà cứ lôi lôi kéo kéo vậy ạ? Em nghi ngờ cô chủ Miên Lam quá, có khi nào cô ấy đã quyến rũ ông chủ Phan.

Vân Xuyên hừ tiếng:

– Loại người như chị ta mê hoặc đàn ông thì có gì khó. Mà mày yên tâm, tao sẽ không dễ gì bỏ qua cơ hội lần này đâu.

Lời nói vừa dứt, cơn buồn nôn trong cổ họng của Vân Xuyên bỗng ập đến. Cô đưa tay lên che miệng, cản lại những tiếng ẹo ẹo khô khan của mình, ngay sau đó Vân Xuyên chạy sang chỗ khác.

Nhỏ Mơ đứng ngơ ngác nhìn theo:

– Tiểu thư nhà mình hôm nay bị sao thế nhỉ, vừa hồi sáng mình bưng thức ăn lên cũng làm tiểu thư cảm thấy khó chịu, giờ thì nôn khan. Có khi nào tiểu thư đã bị trúng thực?

Nghĩ đoạn nó chạy theo Vân Xuyên, liên tục gọi:” Tiểu thư ơi, cô đợi Mơ với.”

Miên Lam và ông chủ Pham quay lại gian nhà chính, nơi có vợ chồng lão Nghê đang đợi thưa chuyện.

Đào thị thấy khách quay lại, vội mời kéo ông ấy ngồi xuống và bảo:

– Nếu ông chủ Phan đã có lòng thì nhà tôi cũng không thể làm ông chủ Phan thất vọng được. Số vải này chúng tôi xin nhận, nhận để may mấy bộ đồ mới cho Miên Lam còn gả con bé đi.

Nét mặt của ông chủ Phan bấy giờ mới giãn ra, cười sảng khoái bảo:

– Vâng..vâng! Hàng đã đem tới tận đây xin gia đình cứ nhận. Nhiệm vụ của tôi đến đây xem như đã hoàn thành. Giờ tôi xin cáo lui.

Lão Nghê đích thân tiễn khách ra tận cổng. Đám người theo sau ông chủ Phan đang đi bỗng có một người dừng lại trước mắt Miên Lam. Cậu ta lấy túi tiền đưa cho Miên Lam. Mếu máo nói:

– Cô chủ, chúng tôi có mắt như mù nên đã đắc tội với cô chủ. Đây là tiền chúng tôi cướp được từ chỗ cô, cô mở ra xem đi nó không thiếu một xu nào đâu.

Miên Lam từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, bởi cho dù nằm mơ cô cũng không dám nghĩ maya kẻ cướp đêm hôm đó lại chính là mấy kẻ thân cận bên cạnh ông chủ Phan.

Song như vậy cũng tốt, lấy lại được số tiền cô cũng dễ ăn nói với cha mẹ.

Hắn khúm núm vái lạy Miên Lam như vái lạy Bồ Tát Quan m, lủi thủi giật lùi tiến ra cửa. Bước qua khỏi bậc tam cấp hắn bỗng quay lưng bỏ chạy thục mạng, cứ như vừa nhìn thấy ma.

– Cô chủ, lấy lại được tiền rồi chúng ta không cần nhìn đói nữa đúng không cô chủ?

Lời nói chưa dứt câu, Đào Thị từ sau lưng bước đến giật phăng túi tiền trên tay Miên Lam, mụ kiểm tra tiền xong thấy số tiền nhiều hơn dự định cũng ra có chút hài lòng:

– Thôi được rồi, phạt vậy cũng đủ rồi. Nhưng muốn ăn cơm thì phải làm cho ta một việc.

Nhài định nói gì đó nhưng bị Miên Lam giữ tay lại. Cô lễ phép hỏi:

– Dạ thưa mẹ, mẹ có chuyện gì cần sai bảo xin mẹ chỉ dạy.

Đào thị cười, uyển chuyển bước đến rờ tay lên tấm vải mà ông Phan vừa mang tới, ngắm nghía vuốt ve chúng, một lúc sau ngoảnh lại nói với Miên Lam như ra lệnh:

– Nội trong nửa tháng cô phải may cho xong chiếc áo cô dâu cho Vân Xuyên, kèm theo một bộ lễ phục ta mặc trong ngày đám cưới của Vân Xuyên. Làm không được việc thì đừng mong được ăn cơm.

Miên Lam mở tròn xoe đôi mắt:

– Nửa tháng phải hoàn thành 2 bộ trang phục ư, may lễ phục bằng số vải này? Mẹ! Như vậy có phải mẹ đang khó con không?

Đào thị trợn mắt sấn tới, nhéo một cái thật mạnh vào tay Miên Lam, cô” Á” lên tiếng, nghe những lời đay nghiến từ mẹ:

– Còn dám cãi nữa à, hay mày muốn nhịn cơm thêm mấy hôm nữa. Làm không xong cũng phải xong, cái thứ gì đâu đã ăn lại lại còn vô dụng.

Đào thị buông tiếng”hừ!” Rồi hậm hực bỏ đi.

Miên Lam buồn bã bước đến chỗ mấy cuộn vải, sờ tay lên đó than rằng:

– Miên Lam ơi Miên Lam, ước gì mày mọc thêm đôi cánh tay nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.