Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 16



Cả hai phăm phăm bước đi, đến trước lùm cây thì khựng chân lại. Lão Thính chỉ tay vào đó, nói như khẳng định:

– Đầy, ông tự mình xem đi không lại bảo tôi hoa mắt.

Lão Cổn rướn người đưa mắt vào nhìn, để nhìn cho thật rõ chứng minh lời lão Thính nói là sự thật, ông ta còn cẩn thận vén lùm cây dại ra xem.

Quả nhiên, lớp đất dưới gốc cây bị xới tung toé là có thật. Vết cào bới vẫn còn mới, in rõ cả dấu chân và từng vệt dài song song nhau tựa như vết cào từ bộ móng vuốt.

Ông ta nghĩ thầm trong đầu:” Có lẽ nào lời nói của lão Thính lại là sự thật.” Một lúc sau ông ta nhấc khuôn mặt ra khỏi bụi cây, ngoảnh lại nói với lão Thính:

– Đi, theo tôi đi một chuyến tới nhà ông Báu coi sao.

Lão Thính ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao phải tới nhà ông ấy?

Lão Cổn lác nghiêm sắc mặt, đanh giọng:

– Chuyện này không đùa được đâu. Ông nghĩ mà xem, sau cái đêm chúng ta rủ nhau đi phóng hoả nhà lão Thụ, thì tính đến thời điểm hiện tại đã có nhiều người phải bỏ mạng rồi đấy. Hay ông muốn nạn nhân tiếp theo sẽ là mình, hoặc giả là vợ con ông?

Lão Thính nghe xong lảm nhảm nói:

– Không, tôi không muốn.

– Vậy chần chờ gì nữa, mau đi theo tôi.

Một kẻ lòng lang dạ sói như lão Thính, mà sau khi nghe mấy lời nhắc nhở từ miệng lão Cổn thì tâm trí cũng bắt đầu lung lay. Chứng tỏ mọi chuyện bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát.

Vừa mới tới cổng, lão Cổn lác đã vội vàng lên tiếng:

– Ông Báu, ông có ở nhà không?

Lão Báu từ trong nhà đi ra, đứng trên hiên nheo mắt nhìn, nhận ra người quen vội ngoắc tay và bảo:

– Vào đi

Mùi hương khói nghi ngút từ bàn thờ vợ ông Báu toả ra khiến cả gian nhà luôn chìm đắm trong u tịch. Ông Báu rót nước mời khách xong, lên tiếng hỏi:

– Hai ông tới đây thăm tôi hay có chuyện gì?

Lão Cổn và lão Thính nhìn nhau, rồi lại quay sang nhìn ông Báu, chẳng thể giấu giếm, nói luôn vào việc chính.

– Thằng Quất nhà ông nó có nhà không?

Ông Báu gật đầu:

– Nó ở trong buồng. Nhưng mà có chuyện gì không?

Lão Thính nói hỏi lại cho chắc ăn:

– Có đúng nó vẫn ở trong buồng và ông không rời mắt khỏi nó chứ?

Nghe những lời này, trong lòng ông Báu bắt đầu cảm thầy bất an. Bởi ông ấy luôn nhớ đến lời dặn của ông Ngọ, nội trong bảy ngày nếu không tìm được thầy có duyên, thì phải dẫn thằng bé đi khỏi làng này. Nghĩ đến đây ông Báu có chút bối rối, nhưng đề che đậy cho con trai nên ông Báu vẫn một mực phủ nhận:

– Tôi ở nhà nãy giờ, chẳng nhẽ tôi lại không biết con trai tôi còn ở trong nhà hay không? Các ông hỏi bằng thừa.

Biết ông Báu đang giận, lão Cổn bèn hạ giọng nói nhỏ nhẹ:

– Chúng tôi tới đây không có ý gì đâu. Chỉ muốn nhắc nhở ông nên cẩn thận mà thôi. Bởi trong số 6 người liên quan đến vụ hoả hoạn nhà lão Thụ, đã có tới người thân của hai người trong số đó không gặp may, hai người thì rơi xuống suối chưa biết sống chế.t ra sao, tính tới bây giờ chỉ còn hai người nữa tạm thời vẫn bình yên vô sự.

Nghe lão Cổn nhắc lại chuyện đó mà ông Báu vẫn rùng mình. Ông luôn ám ảnh với cảnh căn nhà bốc cháy trong đêm kèm theo tiếng la hét cầu cứu thảm thương bên trong đám cháy. Từ sau khi con trai mình gặp nạn, vợ cũng vừa mất, ông ta luôn sống trong dằn vặt, dằn vặt bởi những việc mình đã làm để vợ con phải mang nghiệp.

Lão Thính đập tay lên vai, trấn an:

– Đừng lo, chúng tôi luôn ở bên cạnh ông. Nhưng đừng có giấu chúng tôi chuyện gì đây nhé, kẻo lại trở tay không kịp.

Ông Báu nhiều lần định kể ra hết mọi chuyện, song lại sợ những ánh mắt kỳ thị của dân làng dành cho con trai, sợ nó bị phân biệt đối xử, như cách mọi người dành cho cái Mị. Nghĩ đến đây ông ấy lại thôi không nói ra nữa,vẫn luôn hi vọng có phép màu nào đó sẽ đến với con trai mình.

“ Nhưng biết đưa thằng bé đi đâu chữa trị bây giờ.” Đó là nỗi trăn trở lớn nhất trong ông lúc này.

Vừa đứng lên định chào ông Báu ra về, thì bất ngờ thằng Quất từ ngoài sân chạy vụt vào buồng, tức tốc đóng cửa ” Rầm ” tiếng, khiến cả ba giật thót mình.

– Hả! Chẳng phải ông bảo nó vẫn luôn ở trong phòng kia mà? Thế sao tôi vừa trông thầy nó chạy vụt từ ngoài vào?

Đến nước này thì ông Báu ông không còn giấu được tình trạng bệnh tình của con trai mình nữa. Ông ấy ngồi mọp xuống, nước mắt rơi lã chã, lòng đau như cắt ngậm ngùi nói:

– Tôi cũng nào có muồn như vậy. Nhưng mà thằng Quất nhà tôi nó chỉ không tỉnh táo chút thôi.

Lão Thính trợn mắt, thái độ thay đổi một trăm tám mươi độ:

– Ông nói nó chỉ bị không tỉnh táo thôi ư? Thế ông có biết tôi vừa tận mắt chứng kiến nó chạy vào bãi đất trồng bới giun tìm ăn hay không?

Ông Báu nghe xong bủn rủn cả chân tay, nghĩ tới mấy con giun chui ra từ bụng vợ, ông biết, thăng Quất nhà mình đã bị Quỷ ám.

Ông Báu lắp bắp, nói:

– Là..là..thật..chứ?

Lão Thính gật đầu, giơ tay lên thề thót khẳng định:

– Tôi nói ngoa tôi làm con Chó. Ông có biết chỗ thẳng Quất bới đất tìm giun ở đâu không?

Ông Báu lắc đầu:

– Tôi không biết.

– Là đúng cái chỗ con bé Mị bị hã.m hiế.p đấy.

Ông Báu nghe xong ngồi phịch xuống ghế. Miệng mồm líu lại chẳng thốt lên lời.

– Để tránh tai hoạ cho dân làng, và cũng là vì kế hoạch của chúng ta, tôi khuyên ông nên đưa thằng Quất đi lánh nạn ở nơi khác một thời gian. Đợi khi nào làng yên ổn thì quay về.

Ông Báu không đồng ý. Vội nói:

– Các ông muốn đuổi cha con tôi đi ư? Như cách mà mấy người làm với nhà cái Mị.

Lão Thính hừ tiếng:

– Nói đuổi thì nặng lời quá, mà chỉ muốn nhắc khéo ông thôi. Cứ cho là chúng tôi không nói ra chuyện thằng Quất đã bị lời nguyền kia đeo bám đi nữa, thì liệu giấy có gói được lửa lâu ngày không?

Ông Báu biết chắc ngày này sớm muộn gì cũng xảy ra kể từ ngay sau khi thằng Quất gặp nạn, chỉ là không ngờ nó đến quá sớm, khiến ông trở tay không kịp.

Thời hạn bảy ngày tìm thầy như lời ông Ngọ nói, thì đến nay mới chỉ trôi qua bốn ngày thôi, vân còn tới ba ngày nữa kia mà. Ông Báu nghĩ vậy, song giờ đây ông không còn lựa chọn nào khác, giữa danh tiếng của con trai và mảnh đất chôn nhau cắt rồn, ông đành chọn con trai.

Ông Báu ngồi suy nghĩ một lúc, mãi sau mới thở hắt ra một hơi. Nói với họ:

– Thôi được! Tôi sẽ đưa thằng Quất đi. Hãy cho tôi thêm chút thời gian để chuẩn bị.

Lão Thính phẩy tay, giọng quả quyết:

– Không được, ông đưa nó đi càng sớm càng tốt.

Ông Báu nài nỉ:

– Ngoài hai người ra thì chưa ai biết tình trạng bệnh của con trai tôi. Hãy cho chúng tôi thêm ba ngày, chuẩn bị xong chúng tôi lập tức đi ngay.

Lão Thính lần nữa lắc đầu, lời nói ra chắc như đinh đóng cột:

– Nội trong đêm nay, hai người phải rời khỏi thôn này. Nếu không, chúng tôi cũng không dám đảm bảo mình có giữ mồm miệng hay không.

Lão Cổn lác kéo lão Thính lùi lại, nhỏ giọng nói:

– Có cần phải tuyệt tình như vậy không? Dồn ông ta vào đường cùng, ngộ nhỡ ông ta khai ra những chuyện chúng ta đã làm, thì chết cả lũ.

Lão Thính hừ tiếng, nhếch mép cười. Giọng tự tin nói với ông ta:

– Ông đừng quên kẻ chủ mưu khơi ra vụ phóng hỏa giế.t ngườ.i chính là ông ta đấy nhé. Nếu nói ra, tội trạng nặng nhất chắc chắn sẽ thuộc về kẻ chủ mưu, là ông ta đấy.

Nói tới đây, lão Thính bước đến trước mặt ông Báu, hạ giọng mềm mại:

– Tôi nghĩ vậy cũng bởi vì muốn tốt cho hai cha con nhà ông mà thôi. Ông xem, nếu bây giờ để dân làng và chính quyền biết ông mới là kẻ chủ mưu vụ phóng hỏa, thì ông nghĩ những ngày tháng sau này ông còn có cơ hội sống an hưởng tuổi già bình yên bên con trai mình nữa không? Đổi lại, bây giờ ông chịu chạy đi lánh nạn ra khỏi làng một thời gian thì mọi chuyện lại theo một chiều hướng khác, lúc đó sẽ chẳng còn ai nghi ngờ ông nữa.

Nghĩ lời lão Thính nói cũng đúng. Mọi chuyện đi đến nước này bản thân ông ta không còn cơ hội quay đầu lại được nữa. Nhưng vì không muốn mất đi quyền lợi, ông Báu vội nói với họ:

– Đi thì đi, nhưng trước khi đi thì hai người phải hứa với tôi một chuyện.

Lão Cổn lác và lão Thính hai người bọn họ nhìn nhau, rồi lại quay sang nhìn ông Báu, gật đầu hỏi:

– Ông nói đi, là chuyện gì.

– Trong vụ làm ăn này gia đình tôi gặp xui xẻo nhất. Vì vậy sau khi công việc kết thúc tôi muốn được chia phần hơn.

Lòng tham trong mỗi con người vôốn dĩ không đáy, nhưng để đuổi khéo hai cha con ông Báu đi thì lão Cổn lác và lão Thính đành miễn cưỡng gật đầu:

– Chúng tôi đồng ý. Chỉ cần giữa chúng ta luôn giữ liên lạc với nhau thì vinh hoa phú quý sau này chúng ta sẽ cùng hưởng.


Nghe được những lời này từ miệng hai gã đồng bọn, ông Báu cũng yên tâm hơn phần nào. Chỉ có điều ba người bọn họ đang nói đến lợi ích gì, chắc chỉ có 6 người trong số bọn họ biết rõ.

Họ không biết rằng, suốt cuộc trò chuyện của mình luôn có một cặp mắt dõi theo từ đằng sau vách tường nhà ông Báu. Cặp mặt đó long lên sòng sọc, một lúc sau hắn nhắc khuôn mặt ra khỏi vách, quay lưng bước đi. Hắn đi được một đoạn thì khựng chân, đánh một nửa khuôn mặt gian ác của mình liếc vào nhà ông Báu, khoé môi hiện ra một nét cười. Đêm buông, màn trời tối đen như mực.

Ông Báu tay xách nách mang lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ đạc đều đeo hét lên hai bả vai của mình. Chỉ còn chiếc giỏ mây bé tí được ông xách trên tay, tay còn lại nắm chặt tay con trai cứ thế bước ra khỏi căn nhà đã từng gắn bó với mình hơn nửa đời người.

Khoảnh khắc đó, ông ta cảm thầy đau xót vô cùng, một cảm giác mất mát đi mọi thứ cứ ùa về, khiến trái tim ông ta như bị bóp nghẹt.

Trong lòng ông Báu trào dâng một cảm giác hoang mang khó tả, một nỗi hoang mang tựa như cảm giác ngập ngừng sợ sệt của kẻ sắp đi xa không có ngày trở về. Ông Báu nghe thấy rõ tim mình đập thình thịch, một tiếng, hai tiếng…và rất nhiều tiếng khác nữa, tới tiếng thứ bảy thì ông quyết định dứt áo ra đi.

Bóng hai cha con họ khuất dân trong màn đêm đen đặc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.