Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 3



Về được nửa đường, lão Thụ bắt gặp bà mai mối đang hớt hải đi phía đối diện. Bà ta lướt qua thật nhanh cứ như lão Thụ không tồn tại.

Lão ngoảnh lại, cất tiếng gọi:

– Này bà mai, đợi đã tôi có chuyện muốn nói.

Bước chân bà ấy dần khựng lại, xoay người nhìn lão Thụ cười xòa cho đỡ ngượng:

– Ấy dà, là ông đấy hử. Thứ lỗi, tôi đang có việc bận, hẹn ông khi khác mình nói chuyện nhé.

Không đợi bà ta bước đi, lão Thụ cười khà khà, ngoắc tay với bà ấy và bảo:

– Thế chuyện lần trước bà mai tính sao? Chuyện hôn nhân của cái Mị nhà tôi và cậu Điền ấy.

Bà mai thở dài, vẻ mặt tiếc nuối:

– Nói thực với ông, sau khi biết cô Mị xảy ra chuyện, thì bên nhà họ Tô đã không mặn mà tới chuyện này nữa. Họ bảo bây giờ cô Mị không còn xứng với con trai nhà họ nữa. À, tôi đang vội đi cũng vì qua nhà họ Tô bàn chuyện sính lễ với bên nhà gái đấy. Họ chọn cô gái làng bên để cưới cho con trai mình.

Lão Thụ cười cay đắng, nuốt mọi uất ức vào trong. Suy cho cùng nỗi này cũng trách nhà họ Tô cho được, bởi con gái mình cũng chính là nạn nhân của mấy kẻ biến thái giấu mặt ngoài kia. Nếu như cái Mị không gặp nạn thì có lẽ ra giêng nhà họ Tô đã cho người sang bàn chuyện cưới xin. Nghĩ đến đây lão Thụ quay người bỏ đi, xua xua tay ra hiệu bảo bà mai đi tiếp.

Bà mai nhìn theo dáng người liêu xiêu của lão Thụ, buông tiếng thở dài.
—-

Bữa tối, mâm cơm đạm bạc được Sa đặt trên hiên. Cô gọi với vào trong nhà:

– Con mời thầy bu ra ăn cơm.

Sau tiếng kéo nõ điếu là tiếng lão Thụ nói vọng ra:

– Mấy bu con cứ ăn cơm trước đi. Tôi chưa thấy đói.
Bà Ngát nhìn Sa, khẽ gật đầu. Sa đứng dậy đi vào buồng, ngồi xuống bên cạnh chị lay lay gọi:
– Chị Mị, ra ăn cơm đi chị.
Mị xoay người lại ngước đôi mắt đẫm lệ lên nhìn Sa, hỏi:
– Có phải chị làm thầy bu mất mặt lắm phải không Sa. Tội chị đáng muôn chết, chị xấu hổ lắm.
Lúc này Mị tỉnh táo hơn bao giờ hết, nét mặt ngây dại đã không còn, thay vào đó là một nét mặt buồn khổ. Sa lắc đầu, nắm chặt tay chị, an ủi:
– Chị không có tội, đứa bé trong bụng chị cũng không có tội. Chị yên tâm, chị sinh con ra cả thầy bu và cả em sẽ hết lòng yêu thương đứa bé. Chỉ mong chị Mị ráng lên, ăn uống nhiều thì mới tốt cho đứa bé.
Nghe lời khuyên của em gái, Mị cố gượng dậy lết tấm thân mệt mỏi đi ra hiên, ngồi xuống mâm bưng bát cơm mà nước mắt rơi lã chã. Đúng kiểu ăn cơm chan nước mắt.

Đêm hôm ấy, gió thổi nhè nhẹ lùa qua song cửa sổ, làm mái tóc Mị tung bay rối bời. Đôi mắt cô vô hồn nhìn xa xăm vào khoảng trời tối đen ngoài kia, nhớ đến Tranh người đàn ông trong tim mình. Khi ấy Mị day dứt lắm, khi không giữ được cái quý giá nhất của đời người con gái cho người mình yêu, lại sợ nay mai Tranh trở về, biết mình đã có con cô không biết phải đối mặt với Tranh như thế nào.

Bỗng, một bóng đen thình lình vụt ngang qua cắt ngang dòng suy nghĩ của Mị. Mị còn chưa kịp đánh tiếng hỏi thì một mảnh giấy vo tròn được nén thẳng vào chỗ Mị ngồi qua khung cửa sổ. Mị nhặt mảnh giấy, vặn cây đèn dầu cho lớn, run rẩy mở mảnh giấy ra xem.

Bên trong toàn là những lời chế giễu, miệt thị mang theo sự đả kích đến với Mị.

“ Chào Mị! Mị còn nhớ anh không? Cũng vào ngày này của hơn ba tháng trước anh đã có một buổi tối tuyệt vời bên Mị. Anh nhớ rất rõ cơ thể trắng nõn cùng làn da trắng mịn của Mị. Anh khao khát, anh nhớ nhung, anh muốn có Mị, cơ thể em tuyệt lắm, tuyệt lắm ha ha.”

Mị run lên vì căm phẫn. Khúc sau hắn lại viết:

“ Loại đàn bà con gái nếu đã bị thằng đàn ông chà đạp thì chế.t quách đi đỡ nhục. Cô tưởng mình còn ngon lắm sao mà mơ mộng thằng Tranh về gặp cô, cưới cô làm vợ. Thằng Tranh ở trong miền Nam nó có vợ con đuề huề rồi nhé, chính nó là kẻ xúi tôi cướp đi đời con gái của cô, để cô không còn xứng với nó nữa. Tỉnh mộng đi, cô nhìn cô bây giờ xem, còn xứng với thằng Tranh sao?”

Mị xé nát mảnh giấy, gào lên trong cơn kích động:

– Không, đây không phải sự thật. Anh Tranh yêu tôi, anh ấy không đối xử với tôi vậy đâu. Mấy người nói dối, nói dối, nói dối để cố tình chia cắt hai chúng tôi.

Mị đẩy cửa đi ra khỏi nhà, vừa chạy vừa khóc nức nở. Cô hòa mình trong màn đêm tối đen như mực.

Sa đang nằm ngủ, nghe tiếng chị Mị khóc cô liền bật dậy. Chạy sang buồng ngủ của Mị kiểm tra đã không thấy chị Mị đâu nữa. Sa chạy ra ngoài, đứng trước buồng ngủ của thầy bu, lo lắng nói:

– Thầy bu ơi, chị Mị không còn ở nhà nữa.
Bà Ngát chạy ra, run run hỏi:
– Chuyện này là sao? Bu nhớ tối qua cái Mị đi ngủ sớm lắm kia mà.
– Con không biết, nghe tiếng chị mở cửa và con chạy sang kiểm tra đã không thấy chị con trong buồng.
Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, bà Ngát bật khóc bấu víu vào Sa hối thúc:
– Nhanh lên con, cầm đèn pin chạy đi tìm chị con ngay đi.
Lão Thụ bước ra, trên tay cầm sẵn cây đèn, hất hàm nhìn Sa:
– Đi thôi con, kẻo chị con nghĩ quẩn thì khổ.

Vừa đi ông vừa gọi tên con gái thật lớn, rồi ông nghĩ nếu tìm được Mị sau đó sẽ bán nhà đưa cả gia đình đi nơi khác sinh sống. Có như vậy mới làm Mị vơi đi nỗi đau và nhanh quên những việc xảy ra trong quá khứ.

Tìm cả đêm vẫn không thấy Mị đâu. Sáng bảnh mắt hai bố con mới thất thểu về nhà. Bà Ngát không thấy Mị về cùng, biết chưa tìm được Mị thì suy sụp lắm. Bà ngồi xuống hiên nước mắt ngắn nước mắt dài, rên rỉ than thân trách phận.

Đùng một cái, mấy ngày sau Mị quay về trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của cả nhà. Bà Ngát chạy lại, hỏi con gái dồn dập:

– Con ơi là con, mấy ngày hôm qua con đã đi đâu, ở đâu? Để bố mẹ và em lo lắng hả con?

Mị chưa kịp trả lời, bà Ngát lại lên tiếng hỏi:

– Vào nhà với bu, để bu bảo em con hâm nồi thịt gà kho, đơm cơm cho con ăn nhé.

Lão Thụ thấy vậy, chắp tay sau mông đứng trên hiên nói vọng ra:

– Con nó vừa về để cho nó nghỉ ngơi tí đã, làm gì bà cứ xoắn hết cả lên. Về rồi thì tốt, bố mẹ và em đỡ lo.

– À thì tôi lo cho cái Mị thôi mà.

Khi đó, Sa đứng chết lặng ở cửa bếp rưng rưng nước mắt. Chậm rãi tiến lại chỗ chị gái mình.

– Chị Mị, em nhớ chị lắm. Mấy hôm nay chị đi đâu? Thầy bu lo cho chị lắm đó.

Mị không buồn trả lời. Niềm vui còn chưa vui được bao lâu thì bà Ngát cảm thấy con gái mình cứ như cái xác không hồn. Bà ôm ấp cơ thể gầy guộc của con vào lòng mà không hề cảm nhận được hơi ấm, toàn thân Mị run như cầy sấy, tóc tai dính bết cả vào nhau, dường như mấy ngày vắng nhà vừa qua Mị không hề tắm gội.

Tay bà Ngát buông lơi, đẩy cơ thể Mị nhích ra khỏi vòng tay mình, ngắm nhìn con gái con gái rồi ân cần hỏi:

– Mị, nói gì đi con, đừng để bu sợ.

Mị không đáp, thờ thẫn bước vào trong nhà khi lướt ngang qua chỗ Sa cũng không buồn nhìn cô em lấy một cái. Lặng lẽ vào buồng nằm im trên chiếc giường quen thuộc.

Lão Thụ thở dài, xua tay:

– Thôi, bà chạy ra vườn hái ít lá vào nấu nước cho con nó tắm gội, còn cái Sa, con đi thổi cơm đi cho chị con ăn. Đợi nó bình tĩnh lại hỏi sau cũng chưa muộn mà.

Nói xong lão Thụ quay đi, miệng lẩm nhẩm câu nói:” Về rồi thì tốt…về rồi thì tốt.” Lại ngồi xuống hiên kéo điếu thuốc lào.

Kể từ hôm đó, cứ đến 6h chiều là Mị như một người khác, gào thét dữ dội, bầu không gian yên tĩnh bị Mị làm cho điên đảo.Vợ chồng lão Thụ nhìn con gái đau đớn vật vã, cơ thể không ngừng lở loét, các kẽ tay bị giòi gặm nhấm đến nỗi mòn đi cả da thịt, để lộ các khớp xương trắng hếu. Lão Thụ mời không biết bao nhiêu thầy lang đến bắt bệnh thăm khám cho con, nhưng khi nhìn thấy cơ thể lở loét thối rữa từng mảng của Mị, họ đều lắc đầu bỏ về. Thoạt đầu chỉ có người nhà biết, về sau tin tức Mị mang trong mình căn bệnh truyền nhiễm quái ác đã loan tin ra cả thôn, vùng quê nghèo yên bình bỗng chốc bị xáo trộn.

Hôm đó, ông trưởng thôn cùng mấy người trong xóm kéo đến nhà lão Thụ, vì sợ bị lây nhiễm nên không dám vào nhà chỉ đứng bên ngoài cổng nói vọng vào:

– Anh Thụ, nghe nói con gái anh mắc căn bệnh lạ, các bô lão trong thôn đã họp hành và trưng cầu ý của bà con lối xóm nên quyết định cái Mị phải đi khỏi làng trong đêm nay, để tránh bệnh tật lây lan sang diện rộng.

Lão Thụ chẳng nói chẳng rằng, bưng thau nước tiến lại gần cánh cổng hất luôn vào đám người của ông trưởng thôn. Ánh mắt chán ghét căm phẫn nói:

– Nếu miệng mồm mấy người dơ bẩn quá gì nhận lấy chậu nước rửa rau này mà súc miệng cho sạch đi, chứ đừng thốt ra những lời vậy khác gì mấy đứa vô học, thiếu suy nghĩ.

Đám người nhao nhao lên mắng mỏ:

– Ông làm cái quái gì thế? Nếu không phải nể ông là người làng thì liệu chúng tôi thèm vác thân đến đây nói chuyện nhỏ nhẹ vậy không?

Lão Thụ cười khẩy, chỉ tay vào mặt từng người, nghiến răng mà rằng:

– Tôi ghi nhớ hết khuôn mặt mất hết nhân tính của mấy người rồi đấy nhé, cất nó tận sâu trong tim. Nếu hôm nay người bệnh rơi vào con của các người thì liệu các người có dám đứng đây to miệng đuổi con gái người khác ra khỏi làng không hả? Biến..biến đi ngay cho khuất mắt ông, ông còn thấy đứa nào chạy đến đây kiếm chuyện thì liệu liệu thần hồn với ông.

Thấy tình có vẻ căng thẳng, lão Thụ lại cứng đầu. Ông trưởng thôn hừ lạnh, nói cảnh báo với lão Thụ:

– Tôi cho gia đình ông nội thời gian hết đêm nay phải đưa con Mị ra khỏi làng, nếu không bà con chúng tôi sẽ tới đây cưỡng chế.

Lão Thụ ngẩng mặt lên trời cười phá lên:

– Mấy người bảo con gái tôi mang bệnh truyền nhiễm cơ mà, có giỏi cứ vào trong mà khiêng con bé đi. Còn bây giờ cút mau cho khuất mắt ông, chúng mày toàn mang bộ mặt giả tạo, đạo đức giả, chứ thực chất bên trong đứa nào đứa nấy đều mang tâm quỷ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.