Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 32



Mơ vừa ra tới, Điền đã cất tiếng:
– Lô hàng gốm này bị lỗi, không lẽ cô biết mà vẫn muốn giao cho khách?
Mơ ngạc nhiên hỏi:
– Sao anh biết lô hàng gốm này bị lỗi.
Điền cười khẩy, đáp:
– Để nhận biết đây có phải là gốm sứ chất lượng hay không, cách đơn giản nhất để thử đó chính là dùng ngón tay gõ lên đồ sứ, nếu nghe thấy tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại phát ra thì là đồ tốt. Còn nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ kém chất lượng.
Mơ càng thêm ngưỡng mộ người đàn ông này. Cô mỉm cười rồi nói:
– Xem ra anh cũng am hiểu về nghề làm gốm, nhưng lô hàng này nhà tôi không phải cố ý làm ra mà do bị kẻ gian dở trò trong công đoạn lúc làm sản phẩm.
Điền tiếp lời:
– Là do đâu thì tôi không biết, cũng không bận tâm, nhưng tôi khuyên cô, muốn làm ăn và giữ mối lâu dài thì cần trung thực với khách hàng. Với bản thân tôi chả có kinh nghiệm hay am hiểu gì về đồ gốm đâu. Chỉ là nghe lỏm được từ miệng bác cả khi dặn dò nhân công trong xưởng nhà bác mà thôi.
Mơ trầm giọng:
– Tôi biết chứ, nhưng khi phát hiện ra nó bị lỗi thì đã quá muộn. Dĩ nhiên khi gặp khách tôi sẽ báo lại với người ta, giá cả cũng thay đổi theo chất lượng, còn nếu khách hàng vẫn từ chối không nhận thì chúng tôi cũng đành chịu, bởi lỗi lần này là do phía bên xưởng sản xuất.
Điền gật gù:
– Vậy chúng ta lên đường thôi.
Suốt dọc đường đi, Điền luôn chăm chú dõi theo chiếc xe hàng của Mơ ở phía sau qua chiếc gương chiếu hậu. Cũng may, đoạn đường từ quán bún đến vùng ven biên giới họ không hề gặp trở ngại, mà còn ngược lại, chuyến đi rất suôn sẻ.
Giao hàng hóa xong, vị khách đập tay lên vai Điền, nói với anh ta:
– Hàng hoá nhà cậu chúng tôi rất thích, không chỉ chất lượng mà luôn ra nhiều mẫu mã mới ăn đứt mấy xưởng sản xuất hàng mã dưới miền xuôi rồi đấy. Cứ vậy mà phát huy nhé, chúng tôi sẽ hợp tác với xưởng nhà cậu lâu dài.
Khi đó Điền thở phào nhẹ nhõm. Gánh nặng hàng hoá được thầy giao phó như được trút xuống khỏi vai. Cậu nhìn ông chủ tiệm mỉm cười, đó là nụ cười của sự cảm kích từ tận đáy lòng anh ta.
Phía Mơ thì khác, cô không được may mắn như Điền. Sau khi khách hàng biết đây là lô hàng bị lỗi thì đã rất tức giận, cho rằng bên xưởng làm ăn không uy tín. Mặc dù được Mơ xuống nước nài nỉ và giải thích, song họ vẫn quyết định trả hàng hoá về. Không những vậy, ngay đến cả việc hợp tác lâu dài cũng bị khách hàng đe doạ không hợp tác qua lại nữa.
Trên đường quay về, Điền gặp lại Mơ trong bộ dạng thất thần tuyệt vọng. Khi đó, Điền nói với tài xế:
– Này cậu, tấp xe vào lề đường đi.
Cậu tài xế hỏi:
– Anh Điền muốn mua gì hả?
– Không, tao muốn xuống xem cô Mơ giao hàng hoá đến đâu rồi.
Cậu lái xe lẩm nhẩm trong miệng:
– Anh Điền lại muốn giúp người ta nữa rồi, có khi nào anh mình đã trúng tiếng sét ái tình không?
Điền cười khẩy:
– Mày nói nhiều thế, có tin tao lấy keo dán sắt dán mỏ bay lại không.
Người ngồi bên cạnh cười hề hề, nói với tài xế.
– Anh tấp vào đi, kẻo lỡ chuyến duyên này chỉ sợ anh Điền về ôm mối tương tư cô Mơ mất.
Điền lườm nó, nói lấp lửng:
– Cái thằng này…
Thấy Điền đến Mơ mừng lắm. Cảm xúc đan xen lẫn lộn. Cũng không rõ vì sao trong lòng mình lại có giác đó nhưng Mơ luôn nghĩ Điền chính là vị cứu tinh của mình.
Điền nhìn vị khách đang xem hàng đồ gốm trong tiệm của ông chủ, cứ thấy nhấc lên lại hạ xuống, ánh mắt khao khát muốn mua song không rõ vì lý do gì vị khách đó lại chọn quay lưng bỏ đi.
Điền đứng sau lưng gọi lớn:
– Bác ơi bác, khoan đi đã.
Vị khách ngoảnh lại hỏi:
– Cậu gọi tôi đấy hả?
Điền gật đầu:
– Vâng, cháu có chuyện muốn nói.
Vị khách cố nán lại, hỏi Điền:
– Cậu nói đi.
Điền bước đến xe hàng, tốc tung chiếc bạt phủ kín trên thùng xe để hở ra một thùng hàng đồ gốm mới cóng. Anh ta vỗ vỗ vào xe hàng, nói với vị khách:
– Bác lại đây xem thử những mẫu này đi. Lọ hoa có, chum đựng rượu, gạo có, thậm chí cả chậu cây cảnh cũng có. Rất đa dạng mẫu mã mà giá thành lại còn phù hợp túi tiền.
Sẵn trong lòng muốn mua, vị khách chớp lấy cơ hội tạt ngang qua thùng hàng, nhìn vào những đồ gốm đẹp đẽ trên xe mừng vui khôn xiết.
Ông ấy hỏi:
– Cậu nói những mẫu này mới ra ư? Giá cả còn phải chăng.
Điền gật đầu:
– Vâng, vì đây là gốm loại 2 nên giá thành sẽ rẻ hơn gốm loại 1 một chút. Nó rất phù hợp với những khách hàng cần mua nhưng tài chính lại bị eo hẹp. Bác xem, mẫu mã rất đẹp, độ dày, màu sắc, hoa văn không thua kém hàng loại 1 là mấy.
Vì khách nhấc vài món đồ lên xem quả nhiên chúng đẹp thật, mà trông không khác gì đồ gốm loại 1.
Ông ấy nhìn Điền bằng ánh mắt ngờ vực, hỏi:
– Sao cậu lại biết tôi muốn mua hàng hóa, lại còn thật thà bảo đây là gốm loại 2. Nói thật, nếu cậu không nói ra đây là gốm loại hai thì tôi chắc chắn sẽ không biệt ra được đấy.
Điền cười:
– Ông chủ cháu là người luôn thật thà với khách hàng trong buôn bán mà bác. Có sao nói vậy, loại nào tốt thì nói tốt mà loại nào kém chất lượng hơn thì bảo kém. Như vậy buôn bán mới bền lâu được chứ phải không ông chủ.
Điền liếc nhìn ông chủ tiệm, ông ấy như hiểu ý của Điền muốn nói. Bèn chạy tới cười xởi lởi nói tiếp lời:
– Cậu ấy nói đúng đó. Tôi thấy ông đây đi tới đi lui nhiều lần ra vào tiệm tôi rồi mà vẫn chưa chọn được thứ mình muốn mua, nếu ông muốn loại vừa rẻ vừa đẹp thì có thể ghé xem qua xe hàng này.
Vị khách nghe xong gật gù. Một lúc sau ông trầm giọng nói:
– Thú thực với ông, tôi muốn đặt mua một số thứ để về trang trí nhà cửa sân vườn. Cơ mà giá cả khá đắt đỏ so với số tiền tôi đang có, thành ra cứ nấn ná mãi vẫn chưa quyết định được nên mua món nào.
Dựa vào kinh nghiệm bán hàng lâu năm của mình, ông chủ tiệm đã giới thiệu và tư vấn về những mẫu mã cũng như giá cả hợp lý cho vị khách hiểu thêm về sản phẩm. Sau một hồi giới thiệu, vị khách đó đã quyết định đặt mua đồ gốm loại hai với giá cả hợp lý vừa túi tiền của mình.
Không chỉ có vị khách đó, mà còn một vài vị khách cũng có hứng thú với gốm loại hai, vì theo họ, loại hai hay loại ba đi chăng nữa nhưng nếu xài cẩn thận và biết giữ gìn thì tuổi thọ của gốm cũng đều như nhau.
Sau khi bán được một số nhiều đáng kể, vì sân vườn nhà vị khách kia rất rộng, nên thái độ của ông chủ tiệm thay đổi khác hẳn. Ông ấy đã quyết định nhập xe hàng của nhà Mơ và bán với giá gốm rẻ hơn loại 1. Như vậy, những người ít tiền vẫn có cơ hội mua sắm thoải mái mà lại được nhiều mẫu mã đẹp.
Trước khi Mơ về, ông chủ tiệm còn dặn Mơ nếu có lô hàng gốm nào loại 2 thì cứ chở thẳng đến đây ông ấy mua tất.
Hàng hoá giao xong họ quay về xe. Mơ ngỏ ý muốn mời Điền bữa cơm để cảm ơn nhưng đã bị Điền từ chối khéo. Do không biết liên lạc với nhau bằng cách nào nên Mơ ghi lại địa chỉ nhà mình rồi dúi vào tay Điền:
– Anh Điền, cảm ơn anh về tất cả. Nếu chuyến hàng này không bán ra được thì quả thực xưởng gốm nhà em sẽ rơi vào bờ vực phá sản. Em rất cảm kích anh, nếu có cơ hội anh Điền đi ngang qua nhà em thì nhớ ghé địa chỉ này nghỉ ngơi nhé. Thầy bu em rất mến khách, cả em cũng vậy.
Biết Mơ đã bật đèn xanh, Điền cũng nhân cơ hội nắm bắt. Điền nhét mảnh giấy Mơ ghi địa chỉ vào túi, vỗ vỗ vào đó, cười hì hì:
– Cảm cô Mơ đã mời, nếu có dịp đi ngang qua tôi sẽ ghé vào thăm cô Mơ và gia đình. Còn bây giờ chúng ta về nhà thôi kẻo người thân mong đợi.
Dường như trong họ đang nảy nở tình yêu thầm kín dành cho đối phương. Trước khi hai chiếc xe rẽ vào hai con đường khác nhau, thì cả Điền và Mơ đều thò đầu ra khỏi xe ngoảnh lại nhìn về phía đối phương, trao cho nhau một ánh mắt si tình.
—-
Xế chiều, khi trời vừa tắt nắng. Lão Cổn lác và lão Thính rủ nhau đi đến mảnh đất nhà lão Thụ, nơi đám thợ xây đang ra sức hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng cho xong.
Lão Cổn dừng chân đứng ngoài cổng, hướng đôi mắt sắc lẹm nhìn vào căn nhà mới tuy nhỏ nhưng khá trang, hừ lạnh một tiếng, thái độ không mấy không vui vẻ.
Trái ngược với lão Cổn, tâm trạng vui tươi của lão Thính lại luôn hiện rõ trên gương mặt sạm đen của ông ta. Trong số 6 người đi phóng hoả nhà lão Thụ, thì hơn nửa trong số đó đều gặp tai nạn bất ngờ, cũng có người thì là người thân.
Lão Thính vui, bởi vì lão là một trong hai người duy nhất vẫn may mắn chưa gặp biến cố kể từ khi đám cháy đó xảy ra tính tới thời điểm hiện tại. Và nếu xây dựng xong căn nhà này, thì mọi chuyện đều sẽ ổn. Đó là khi ông ta nhớ tới câu nói của ông thầy pháp bảo rằng:” Muốn sống yên, quay lại thời gian bình lặng như trước thì phải nhanh chóng xây cất cho xong căn nhà trên mảnh đất nhà lão Thụ.” Một mảnh đất được ông thầy pháp đặc biệt gọi với cái tên quá đỗi rùng rợn:” Mảnh đất ma ám, hay đất của người âm.”
Họ thủng thẳng bước vào, thấy ông chủ Tô và ông thầy pháp đang đứng đó, lão Cổn mới cất tiếng hỏi:
– Với tiến độ này xem ra chừng vài ngày nữa sẽ làm xong. Thầy và bác Tô vất vả vì dân làng quá rồi.
Hai người ngoảnh lại, ông chủ Tô thấy người quen tới bèn mỉm cười chào hỏi. Ông ấy trả lời:
– Đúng vậy. Dự tính thì tầm khoảng 3 hôm nữa là chu toàn mọi thứ. Khi đó mời hai chú tới uống hớp rượu, cũng là dự lễ nhập trạch.
Lão Cổn khó chịu ra mặt, thầm nghĩ trong đầu:” Hừm! Nói cúng cho vong thì nói đại cúng cho vong đi còn bày đặt buồng lời hoa mỹ, cúng nhập trạch cái đếch gì. Làm như to tát lắm ấy.” Đó là suy nghĩ trong đầu của ông ta thôi, nhưng những suy nghĩ sân si ganh tị đó lão Cổn giấu nhẹm trong lòng, bề ngoài thì vẫn mang bộ mặt hài hoà giả tạo.
Ông thầy không nói gì, quay người đi vào trong xem đám thợ làm tới đâu. Lúc ông ấy vừa xoay người bước đi thì sắc mặt bỗng thay đổi, cặp lông mày nhíu vào nhau nhăn túm, đôi mắt lim dim tựa như người đang buồn ngủ. Một lát sau gương mặt ông ấy mới trở lại vẻ bình thường, ông thầy vừa bước đi vừa nhẩm lẩm:” Tội mấy người gây ra lớn lắm, có dùng nước thánh gột rửa cũng không thể sạch.” Rồi ông đứng thẳng người, buông lời nói bâng quơ:
– Bề ngoài tuy sóng yên gió lặng, nhưng trong lòng lại mang nhiều bão tố. Đừng tưởng những gì mình làm không ai biết, hãy sống tích đức để lại cho con cháu mai sau.
Ông chủ Tô không hiểu lời thầy nói, vừa quay lại muốn hỏi ý của thầy xem câu nói đó ám chỉ ai, song đã thấy ông thầy pháp đi xa.
Lão Cổn lác và lão Thính hai người đứng nhìn nhau. Họ nháy mắt ngầm ra hiệu. Lão Thính cười hề hề nói với ông chủ Tô.
– Chúng tôi tới đây xem có phụ được gì thì giúp, nhưng ngại quá, nhà làm gần xong rồi chắc cũng chẳng còn gì để phụ.
Ông chủ Tô cười:
– Vâng, căn bản thì xong cả rồi, lợp ngói nữa là hoàn thiện thôi. Hôm đó hai chú nhớ đến nhé, bà con đến càng đông thì càng vui.
Ngoài mặt họ đồng ý, nhưng sâu thẳm bên trong hai người bọn họ vẫn là không muốn đến. Đợi ông chủ Tô đi vào trong, lão Cổn kéo lão Thính ra về. Trên đường đi hai người nói chuyện với nhau về mảnh đất nhà lão Thụ:
– Mẹ kiếp, uống rượu nhập trạch cái quái gì chứ? Lão Tô này lại muốn chúng ta ăn thức ăn của đám cô hồn các đảng. Vậy mà là mời à, vậy mà là có ý tốt hả? Hừ!
Lão Thính có vẻ khôn ngoan hơn chút. Ông ta chẹp miệng nói:
– Thôi thì mình cứ đến, có mất mát gì đâu phải không. Không đến thì mới là có vấn đề đấy. Này nhé, tôi phân tích thế này. Lão thầy pháp đó có dặn vào ngày giỗ hằng năm của gia đình lão Thụ thì dân làng mỗi nhà 1 người tự động kéo đến đó mà nấu nướng rồi sắp mâm cúng kính, nếu không phải vì những thứ đáng sợ đang hiện hữu trên mảnh đất đó thì là vì cái gì. Hơn nữa, chúng là người phóng hỏa, không đến dân làng lại sinh nghi.
Lão Cổn nghe xong thấy cũng có lý. Song lão vẫn cam tâm vì mới mất đi thằng con trai duy nhất, lão càng không tin chỉ vì việc làm sai trái của mình mà khiến con trai phải gánh nghiệp thay cha, giống lời mợ lão ấy đã từng nói trước đó.
Để tìm rõ nguyên nhân, lão Cổn dường như đã nghĩ ra cách, bèn quay sang bảo lão Thính về nhà trước:
– Tôi đi đằng này có chút chuyện, ông cứ về trước đi.
Lão Thính:
– Đằng nào cũng tối rồi, vợ con tôi lại không có ở nhà, hay ông qua nhà tôi chúng ta cùng nhau nhâm nhi chén rượu.
Lão Cổn xua tay:
– Thôi để hôm khác đi, hôm nay tôi bận thật mà.
Nói xong lão Cổn đi thẳng, chẳng đợi lão Thính nói thêm được câu nào. Lão Thính trông theo bước đi vội vã của lão Cổn chỉ biết thở dài rồi quay đi.
Lão Cổn đứng lấp ló ngoài cổng nhà ông trưởng thôn, nửa muốn vào nửa lại không. Cũng may lúc đó thằng Hàn vừa đi làm ở bên xưởng nhà ông chủ Tô về, lão Cổn vội vàng kéo xe nó lại rồi nói:
– Hàn, qua đây cho chú nói chuyện một lát.

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.