Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 36



Nơi đây vốn dĩ luôn đầy ắp sự ấm áp của một gia đình, song giờ đây nó ảm đạm cô quạnh đến đáng sợ. Cảnh vật ngày xưa bỗng chốc ùa về trong tâm trí Tranh, phải mất một hồi lâu sau thì Tranh mới thoát ra được ký ức đó.
Tranh đảo mắt quan sát xung quanh, cảnh vật hiện tại đã khác ngày xưa rất nhiều, nhưng điều khiến anh đau đớn nhất vẫn là không còn Mị.
Giọt nước mắt bao nhiêu năm không chảy ra thì nay đã bắt đầu tuôn rơi. Tranh chậm rãi mở cánh cửa bước vào trong, đập vào mắt anh là bốn nấm mộ nằm ngay ngắn giữa gian nhà chính, phía sau là bàn thờ đặt bốn di ảnh đằng sau bốn bát hương.
Khói nhang lạnh ngắt, hay nói đúng hơn nơi này đã không còn vương lại hơi ấm, dù chỉ là một chút.
Tranh chầm chậm bước đến đứng bên cạnh ảnh thờ của Mị. Ảnh thờ tuy chỉ được vẽ phác hoạ lại chân dung của Mị, song đối với Tranh nó là cả một ký ức về bóng hình người con gái anh yêu.
Đôi tay Tranh run rẩy nhấc tấm ảnh thờ của Mị lên, tay còn lại vuốt ve lên khuôn mặt Mị ở trong ảnh. Bất giác, Tranh bật khóc thành tiếng, miệng liên tục gọi tên Mị:
– Mị ơi, anh xin lỗi. Xin lỗi đã không bảo vệ được em và xin lỗi vì anh đã về trễ. Điều khiến anh cắn dứt lương tâm cả đời này, là khi lúc em cần anh nhất thì anh lại không ở bên em.
Nước mắt Tranh rơi lã chã xuống di ảnh của Mị. Đôi mắt trong hình vẽ bỗng trở nên u buồn đến dị thường. Tranh ôm ấp di ảnh vào lòng khóc rưng rức, đôi vai vạm vỡ rung lên bần bật.
Một bàn tay lạnh ngắt vô hình vừa khẽ đặt lên vai Tranh, mang theo luồng khí lạnh đã khiến Tranh rùng mình. Song anh không quay lại, chỉ ngước mặt lên đưa tay lau nước mắt, giọng trầm xuống khẽ hỏi:
– Mị về thăm anh đấy à? Là anh, Tranh đây. Tranh của Mị về rồi đây. Nếu em còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành cứ đến báo mộng cho anh biết Mị nhé.
Lời nói vừa dứt. Bàn tay lạnh lẽo kia cũng từ từ nhấc ra khỏi bả vai của Tranh, một lúc sau, luồng khí lạnh cũng tan biến, và Tranh cảm nhận được đó là Mị.
Thắp hương cho nhà người yêu xong Tranh lặng lẽ quay lưng chầm chậm bước đi, ra đến cửa thì Tranh khựng lại, anh ngoảnh lại nhìn di ảnh của Mị khẽ mỉm cười.
Tranh thầm nghĩ:” Mị à, em cứ yên tâm ra đi nhé, anh về rồi và hứa sẽ không đi xa nữa. Anh sẽ sống cả cuộc đời của em cộng lại.” Rồi Tranh khép cửa, rảo bước thật nhanh về nhà.
Hôm nay ông chủ Tô có việc nên đi ngang qua tiệm bán quan tài nhà ông Ngọ. Chân vừa lướt ngang qua cửa tiệm thì tiếng ông Ngọ cất tiếng gọi:
– Bác Thái, vào đây, vào đây làm hớp trà nóng với em cho ấm bụng.
Ông chủ Tô khựng chân, nhìn vào trong mỉm cười:
– Chú Ngọ, dạo này có khoẻ không?
Vừa hỏi, ông chủ Tô vừa bước vào.
Ông Ngọ rót nước mời khách, đáp:
– Cảm ơn bác, em vẫn khoẻ.
Chén trà trên tay chưa kịp đặt xuống bàn thì động tác đặt chén trà xuống mời khách của ông Ngọ đột ngột khựng lại.
Nhìn vào vầng trán cao rộng trên khuôn mặt ông chủ Tô khiến cặp lông mày của ông Ngọ khẽ nhíu vào nhau. Dường như ông ấy đã tiên đoán ra điềm chẳng lành.
Song rất nhanh sau đó ông Ngọ đã lấy lại sắc mặt hài hoà vốn có của mình, đặt nhẹ tách trà xuống, mỉm cười nói với khách:
– Mời bác uống trà!
Ông chủ Tô là người từng trải, buôn ba khắp nơi, gặp không ít loại người nên chỉ cần nhìn biểu cảm trên gương mặt họ thì ông phần nào đoán ra tâm ý của người đó. Không chính xác 100%, song ít nhiều gì cũng đúng.
Nhấp xong hớp trà, đặt chén xuống. Ông chủ Tô cười, hỏi vu vơ:
– Chẳng nhẽ chú đoán ra tôi sắp gặp nạn?
Câu hỏi này của ông chủ Tô khiến ông Ngọ giật mình. Tự dưng mồ hôi lạnh túa ra mặc dù tiết trời khá mát mẻ. Cả hai rơi vào im lặng, mãi một lúc sau, phải uống xong gần cạn chén trà thì ông Ngọ mới lên tiếng:
– Không chỉ là hoạ thường đâu bác, mà còn là đại hoạ.
Lần này đến lượt ông chủ Tô giật mình. Ngước đôi mắt hiền từ lên nhìn ông Ngọ, tò mò hỏi:
– Vậy chú đoán xem, tôi còn sống được bao lâu?
Ông Ngọ nhanh miệng đáp:
– Vẫn không nên nói ra thì hơn, bởi đạo hạnh của tôi học chưa tới, đoán bậy đoán bạ mà không trúng thì há chẳng phải tôi mang nghiệp. Nhưng tôi khuyên bác, cẩn thận củi lửa vào ban đêm.
Ông chủ Tô cũng không muốn làm khó người ta, vì ông biết có hỏi tiếp thì ông Ngọ cũng khó mà nói ra. Lúc đó, ánh mắt ông nhìn xa xăm vào trong làng, tuy đây là quê hương thứ hai của mình nhưng là nơi ông sinh ra và lớn lên, tình cảm với thôn xóm gắn liền từ tuổi thơ cho tới tận bây giờ, nếu thời gian sống trên cõi đời này không còn nhiều, thì ông luyến tiếc chứ. Ông vẫn chưa được ẵm cháu, vẫn chưa kịp cưới vợ cho thằng Văn, đó là điều ông lưu luyến nhất sau khi không may ông nhắm mắt xuôi tay nằm xuống.
Một lát sau, ông chủ Tô quay mặt vào, cười buồn:
– Nếu đã là hoạ thì khó mà tránh được chú Ngọ ạ.
Ông Ngọ trầm giọng:
– Chết thật! Em mời bác vào xơi nước, vậy mà nhỡ mồm ăn nói linh tinh để bác Thái phải suy nghĩ.
Ông chủ Tô cười phớ lớ:
– Có gì đâu mà chú xin lỗi tôi. Chỗ tôi với chú đâu phải người xa lạ.
Ông Ngọ gật đầu:
– Vật đó bác đừng nên giữ bên cạnh. Mấy vật trên mảnh đất âm hồn đó thì tốt nhất không mang về nhà. Trước sau gì cũng xảy ra hoạ mà thôi.
Ông chủ Tô ngạc nhiên, nghiêm sắc mặt nhìn ông Ngọ, hỏi:“ Ý chú là…” song ông bỏ dở câu hỏi rồi ngồi im không nói tiếp nữa.
Nói đến đó, ông chủ Tô sực nhớ ra lời dặn của ông thầy pháp, bèn đứng phắt dậy nói lời chào từ biệt với ông Ngọ rồi vội vã ra về.
Ông Ngọ tiễn ra tận cổng, cũng chưa kịp nói gì thêm đã thấy ông chủ Tô đi khuất sau rặng cây tốt um.
Ông Ngọ buông tiếng thở dài, vừa quay lưng đi thì thốt ra câu nói khiến người ta lạnh sống lưng:
– Không chỉ mình bác gặp hoạ thôi đâu bác Thái à, mà có khi cả năm mạng người nữa cơ đấy!
Mặt trời vừa tắt nắng, mâm cơm thịnh soạn đã được bà Thái bưng từ bếp đặt trên hiên. Chẳng là mấy hôm nay thằng Văn con trai bà từ trường học xa xôi ghé nhà thăm thầy bu, nên mâm cơm gồm toàn những món ngon. Thịt gà luộc rắc lá chanh có, món măng khô nấu miến cũng có, rồi nào là canh cá chép nấu dưa chua, xôi gấc, bánh đúc…đủ cả, toàn những món thằng Văn con trai bà thích.
Ông chủ Tô bên trong nhà hỏi vọng ra:
– Thằng Văn chưa về hả mình?
Bà Thái ngước lên đáp:
– Con nó chạy sang mời anh chị qua đây ăn cơm rồi, chốc nữa chúng nó về ngay thôi.
Ông chủ Tô ậm ừ, lát sau hỏi vọng ra:
– Chừa lại 1 đĩa thịt gà với 1 đĩa xôi, lát nữa bảo cái Huệ mang sang biếu ông bà thông gia.
Bà Thái trả lời:
– Tôi bảo người ta làm thịt tới hai con gà mái dầu, lúc nãy thằng Văn sang nhà thông gia mời anh chị, tôi có bảo con xách đem qua biếu ông bà 1 con cùng đĩa xôi gấc rồi.
Ông chủ Tô gật đầu:
– Bà làm vậy tốt lắm. Con gái mình cũng được nở mày nở mặt với bên nhà chồng.
Bà Thái cười tươi như hoa:
– Thì tôi cũng nghĩ giống ông đấy, nên có món gì ngon cũng gọi cái Huệ sang lấy mang về làm quà.
Lời bà vừa dứt, ba cái dáng người cũng nhấp nhô ngoài cổng. Bà Thái rướn cổ nhìn ra, mỉm cười đon đả hối thúc:
– Về rồi hả con, mau vào ăn cơm cho nóng. Bu vừa nấu xong đấy.
Vợ chồng Hàn cúi đầu đáp:
– Con chào thầy bu, chúng con mới sang.
Ông chủ Tô bước ra, ngoắc tay rồi bảo:
– Ba đứa về rồi hả, qua đây, làm với thầy một chén rượu.
Nhìn mâm cơm thiếu mỗi rượu, ông chủ Tô nói với Hàn:
– Con vào trong buồng lấy cho thầy chai rượu nếp cẩm ra đây. Rượu đó thầy đặt người ta nấu đấy, ngon lắm.
Hàn vâng dạ vội vàng đứng dậy đi vào buồng lấy rượu, nhưng đi đã khá lâu mà vẫn chưa thấy Hàn quay lại, ông chủ Tô nói với Văn.
– Bay đi xem anh rể nó tìm thấy rượu chưa? Chai nào màu tím thì chai đó là rượu nếp cẩm đó. Xách ra đây cho thầy!
Văn “ Dạ” tiếng, lật đật đứng dậy. Cậu đi đến gian nhà chính bèn gọi lớn:
– Anh Hàn, tìm thấy rượu cho thầy chưa anh?
Hàn ở trong phòng ngó đầu ra bảo:
– Anh vẫn tìm chưa thấy, rượu quý lắm hay sao mà thầy giấu kín thế! Hề hề hề..
Biết anh rể nói đùa, Văn cười theo rồi đáp:
– Ồ! Thầy không bao giờ để rượu trong phòng ngủ đâu anh, mà thầy cất rượu dưới nhà kho ấy.
Hàn lần nữa ngó ra, ngạc nhiên hỏi:
– Hả! Nhà mình có cả kho chứa rượu cơ hả? Vậy mà anh chưa biết.
Văn mỉm cười, ra hiệu cho anh rể đi theo mình rồi cậu rẽ sang cánh cửa phụ dẫn vào một nhà kho. Nói là nhà kho thôi, nhưng thực chất nó giống như một hầm để rượu đã được ông chủ Tô xây lên bao bọc kín mít.
Ngay sau khi Văn mở công tắc đèn, thì một hầm rượu với vô số loại được bày trí trong phòng đã đập ngay vào mắt Hàn, khiến anh choáng váng. Choáng váng không phải vì say, mà bởi vì giá trị từng chai và độ sa hoa của chủ nhân hầm rượu này.
Văn nhấc lên một chai, xoay xoay trước mặt Hàn. Cười cười nói:
– Đây anh, đây là rượu nếp cẩm. Thầy hay uống loại này lắm.
Hàn nhấc thử 1 chai rượu ngoại, đưa nó lên ngang mặt xem, suýt xoa bảo:
– Ôi trời, chắc giá nó đắt lắm cậu Văn nhỉ.
Văn đáp:
– Nó không in giá trên bao bì, nhưng em nghe thầy nói, thầy mua từ các nước phương đông mang về. Hoặc cũng có khi là do thầy gửi bạn bè làm ăn mang về giùm. Thầy chả uống bao nhiêu đâu anh, mua về sưu tập là chính. Em còn nghe nói, rượu vang để lâu thì hương vị càng ngon, do đó, có chai thầy tậu cả gần chục năm rồi ấy chứ.
Hàn trầm trồ:
– À thì ra là vậy, hèn gì trong đây có nhiều loại rượu đến thế. Nói thật, anh ngưỡng mộ thầy nhà ta lắm.
Văn chưa kịp đáp, thì tiếng gọi của Huệ ngoài nhà vọng tới cắt ngang cuộc trò chuyện của hai người:
– Hai anh em đi lấy rượu gì mà lâu thế? Liệu có say trong đó không vậy.
Văn đáp vọng ra:
– Vâng, lấy xong rồi chị.
Họ bước ra với chai rượu nếp cẩm trên tay. Văn đưa nó cho thầy, rồi giải thích:
– Lần đầu anh Hàn trông thấy kho rượu của thầy nên hơi bỡ ngỡ. Con vừa giới thiệu qua cho anh ấy biết.
Ông chủ Tô mỉm cười:
– Đó là sở thích của thầy, không thích uống nhưng lại thích sưu tập rượu.
Cả bữa cơm hôm ấy, mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ, phụ bu rửa chén bát dọn dẹp xong cũng đã gần 9h tối nên hai vợ chồng Hàn xin phép về nhà nghỉ ngơi.
Trời gần gần 11h đêm, nằm trằn trọc trên giường mãi mà ông chủ Tô không tài nào chợp được mắt. Hễ hai mắt sụp xuống thì lời dặn và lời cảnh báo của ông thầy pháp với ông Ngọ lại hiện hữu ra trong đầu.
Ông chủ Tô mở bừng mắt, ngồi bật dậy thở dài. Thấy vợ nằm kế bên đã say giấc ngủ ông nhìn bà ấy mỉm cười. Cả đời ông chỉ yêu thương mỗi khuôn mặt và con người bà ấy, nên ở tầm tuổi này thấy vợ ăn được, ngủ được, mạnh khoẻ…thì ông cảm thấy vui vẻ rồi.
Kéo tấm chăn mỏng lên đắp ngang ngực cho vợ, sau đó ông chủ Tô tụt xuống khỏi giường. Vì không muốn làm mất giấc ngủ của vợ nên ông rón rén đi ra khỏi phòng một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Nơi ông đến chính là gian phòng đọc sách và làm việc của mình. Nơi mà ngoài ông ra thì ngay cả vợ con ông cũng không được phép bước vào, nếu như không có lệnh của ông.

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.