Kỳ Án Thôn Đông Quan

Chương 46



Lão Thính hoảng sợ ném ngón tay người xuống mâm. Cơ thể ông ta bật dậy, vội vàng chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo.
Tiếng bàn tán xôn xao bắt đầu vang lên:
– Này! Có chuyện gì với ông ấy thế?
– Hình như trong tô canh su hào có ngón tay người.
– Hả! Nhưng là ngón tay của ai mới được?
– Ừm! Chuyện đó thì làm sao tôi biết.
Cũng may tôi chưa ăn bát canh nào. Ngẫm lại cảm thấy mình may mắn nhưng cũng sợ quá.
Một người ngồi kế bên lên tiếng:
– Có khi nào chính là ngón tay của ông Cổn không? Vì tôi nghe nói hôm qua trong lúc chặt chân giò, ông ấy vô tình chặt phải bàn tay dẫn tới đứt lìa.
Chuyện ông Cổn tự làm đứt bàn tay của mình hầu như trong làng không một ai hay biết, ngoại trừ những người thân chở ông ấy đi bệnh viện và vợ ông ấy. Song chắc có người loan tin ra nên nó trở thành lời đồn, truyền từ miệng người này qua tai của người kia.
Người khác gật gù, nét mặt tỏ ra thần bí, nhỏ giọng nói:
– Hèn gì nãy giờ tôi không trông thấy mặt mũi ông Cổn đâu. Thì ra là do tay ông ấy bị thương.
– Phải đấy, từ lúc sang đây tôi cũng không trông thấy ông ấy. Lẽ nào lời đồn đó là sự thật.
Phía bên kia, lão Thính nôn ra mật xanh mật vàng, bởi lão cố móc họng để cho ra hết những thứ mình vừa ăn.
Chưa dừng lại ở ngón tay trên miệng lão Thính. Khi một người trong họ bởi vì tính tò mò trỗi dậy, nên cậu ta đã dùng thìa dài khoắng nồi canh lên. Bỗng anh ta ngã bật ngửa người ra sau, mông chạm đất đau đớn, mặt mày trở nên xám ngoét. Sợ đến nỗi mồm miệng không thể thốt được thành lời.
– Mày có sao không?
Một người chạy vào hỏi. Cậu ta lắp bắp đáp, mắt vẫn dán chặt về nồi su hào hầm xương:
– Bác ơi.. trong nồi…trong nồi… có..có..
Ông ấy bực mình bảo:
– Ơ hay cái thằng này. Mày bị sao thế hả?
Cậu ta bò lết ra ngoài, miệng luyên thuyên:
– Tay người..tay người..có tay người..
Nó nói không hết câu đã cố bật dậy, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng bỏ về nhà. Cỗ bàn chưa kịp ăn một miếng.
Ông ấy ngạc nhiên trước thái độ đó của nó, nhưng chỉ đứng nhìn theo hướng nó chạy, lắc đầu thở dài. Ông ấy vẫn không biết những lời bàn tán it sèo ngoài sân, vì từ nãy đến giờ ông vẫn lúi húi dọn dẹp trong bếp. Khi ông ấy định quay người đi thì sực nhớ đến ánh mắt sợ hãi của cậu ta, làm chân ông thình lình dừng lại.
Ông tò mò bước đến ngó vào nồi canh su hào hầm xương để xem, thì đột nhiên một bàn tay bị thiếu mất 1 ngón nổi lềnh phềnh lên trên mặt nước. Do được hầm lâu nên bàn tay bốn ngón sưng phồng béo múp, thịt thà có vẻ đã bị hầm mềm.
Ông ấy bỏ chạy ra ngoài, vừa chạy vừa la hét:
– Ối trời ơi, có tay người trong xoong.
Lão Cổn nghe thấy sợ toát mồ hôi hột. Rõ ràng bàn tay bị đứt của lão đã được bà vợ đem đi chôn ở cái hố sau vườn nhà, vậy mà chẳng hiểu sao bàn tay của mình lại nằm trong xoong canh.
Vợ ông ấy sợ hãi cũng không kém, đứng bên cạnh chồng mà toàn thân cứ run lên bần bật như cầu sấy.
Khách khứa không ai dám ngồi ăn tiếp, hay nói đúng hơn họ cảm thấy tởm lợm đến tận cổ họng. Mọi người lần lượt đứng dậy khéo léo chào gia chủ, cứ thế ra về.
Vợ lão Cổn cầm cái cuốc đi phăm phăm ra sau vườn. Bà bước đến chỗ cái hố chôn bàn tay của lão Cổn thì dừng lại. Bà hồi hộp, tim đập thình thịch, đôi mắt nhìn chằm chằm vào cái hố mà mồ hôi lạnh trên trán cứ thế túa ra như tắm.
Lão Cổn chạy theo đằng sau, vừa chạy vừa cất tiếng hỏi:
– Này bà nó ơi, bà tính làm gì thế?
Bà ấy không trả lời, giơ cao cái cuốc rồi khom lưng dùng sức cắm cuốc xuống xới tung cái hố lên. Quả nhiên bàn tay của lão Cổn được tận tay bà chôn dưới hố nay đã không còn, có chăng chỉ còn lại mảnh vải gói bàn tay nằm trơ trọi lẫn trong lớp đất.
Bà ngồi phịch xuống, cái cuốc rơi ra khỏi tay. Bà ôm mặt khóc, cũng không biết bà khóc vì nguyên do gì.
Lão Cổn chạy đến, miệng thở hồng hộc như trâu. Lão hết nhìn vào cái hố rồi lại nhìn sang chỗ bà vợ đang ngồi khóc thút thít, dường như lão đã hiểu ra mọi chuyện.
Lão hừ lạnh, nghiến răng rít lên:
– Là nó. Chính là nó, nó đã quay trở lại. Con Mị, con Mị nó đã quay trở lại. Hôm qua rõ ràng tôi trông thấy nó đứng bên cạnh bụi chuối gần nền giếng nhà mình.
Bà ấy ngẩng khuôn mặt ướt đẫm nước mắt lên gào thét trong tuyệt vọng.
– Tại ông, tại ông tất cả. Nếu ngày xưa ông không nghe lời người ta ham hố của nả nhà chú Thụ, thì nhà mình đã không xảy ra nhiều chuyện đau lòng đến thế này. Nghiệp của ông gây ra, cớ sao ông bắt con trai tôi gánh chịu.
Nói xong bà lại ngẩng mặt lên, đồng thời hai tay giơ lên quá đỉnh đầu rồi đập phành phạch xuống đất, miệng mồm không ngừng rên rỉ:
– Trời ơi là trời, sao cái số tôi nó lại khổ sở như vậy chứ. Hay để tôi chế.t quách đi cho xong thì ông mới vừa lòng hả ông Cổn.
Lão Cổn sợ hàng xóm nghe tiếng, hạ giọng xuống nài nỉ:
– Tôi xin mình, be bé cái mồm thôi có được không. Tôi cũng đau lòng có kém gì bà đâu. Mọi chuyện thành ra như này tôi nào đâu có muốn.
Vợ lão được đà khóc to hơn, hết đấm ngực lại than vãn đủ điều. Chỉ mong trời xanh thấu hiểu lòng mình.
—-
Lão Thính vừa đi vừa nhổ phì phèo nước bọt. Lão vẫn thấy ghê tởm với màn kinh dị khi nãy. Do mải đi nên chẳng may không chú ý nhìn đường đã vô tình va quẹt phải Tranh đang khật khưỡng say rượu từ phía đối diện đi tới.
Tranh xém bị ngã, loạng choạng vịn vào được gốc cây. Anh ngẩng mặt nhìn lão Thính cười hề hề, hỏi ông ta.
– Thế nào, cỗ nhà lão Cổn ngon chứ chú.
Lão Thính bực dọc quát:
– Mẹ cha cái thằng say xỉn tối ngày, mày đi không có mắt nhìn đường hả?
Tranh cười he he, đứng thẳng người rồi cúi mặt mình áp sát vào mặt lão Thính, phả ra làn hơi sực mùi rượu, thỏ thẻ nói như sợ ai nghe thấy.
– Món canh su hào hầm tay người đã là gì, sắp tới vẫn còn nhiều món ngon hơn nữa đấy. Khà khà..
Lão Thính đẩy Tranh ra, run rẩy chỉ tay vào mặt Tranh, hỏi:
– Mẹ cha mày, nói mau, có phải chính mày chơi khăm nồi canh su hào nhà bác Cổn không?
Tranh cười nham nhở, đưa chai rượu lên miệng tu ừng ực, ánh mắt căm phẫn nhìn lão Thính chằm chằm. Một lúc sau, Tranh hạ chai rượu xuống, đưa tay quẹt những giọt rượu còn vương trên mép, cười khẩy trả lời:
– Sao nào, mới thế ông đã sợ rồi à. Vẫn còn nhiều kịch hay để xem lắm. Cái làng này rồi sẽ phải chế.t phân nửa, ha ha..Mị của tôi đã trở lại và sẽ lợi hại hơn xưa.
Lão Thính nghe hiểu hết những lời Tranh ám chỉ, song lão vẫn tỏ ra bình tĩnh vô tội.
– Tao đé.o chấp kẻ say nhé. Cút đi cho khuất mắt ta.o.
Nói xong lão Thính hậm hực bỏ đi. Miệng còn cảm thấy ghê tởm nên vẫn đưa tay lên chùi mép, chốc chốc lại lèm bèm chửi:
– Mẹ kiếp, hôm nay là ngày gì không biết. Đi ăn đám giỗ thì gặm trúng ngón tay cụt của lão Cổn, khi về thì gặp phải thằng điên.
Tranh đứng nhìn theo tấm lưng của lão Thính, nụ cười khẩy trên khoé môi đột ngột tắt ngấm. Khuôn mặt Tranh bắt đầu trở nên cứng đơ, các khớp cơ khẽ giật giật.
——
Ông Luân sánh bước bên cạnh ông chủ Ngọ, trầm giọng hỏi:
– Sao bác biết trong tô canh có vấn đề thế?
Ông Ngọ thở dài, mắt nhìn xa xăm vào khoảng hư không phía trước, và cả con đường dài họ đang đi, một lúc sau mới lên tiếng:
– Thì vốn dĩ mắt tôi vẫn trông thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy mà chú. Nhưng đó chưa là gì đâu, xem ra thôn này một lần nữa lại rơi vào cảnh tang thương chế/t chó/c rồi.
Ông Luân lo lắng hỏi:
– Thế bác có cách gì không, tránh được tai hoạ ấy.
Ông chủ Ngọ mỉm cười, đập tay lên bả vai ông Luân, gật gù nói:
– Không làm gì thẹn với lòng, với trời đất, thì không có chuyện gì phải sợ. Hơn nữa, chẳng phải bên cạnh chú đang có quý nhân phù trợ sao. Yên tâm, tôi tin hoạ lần này sẽ sớm được hoá giải, nhưng hạn nặng hay nhẹ, còn tùy thuộc vào nghiệp do bản thân mình gây ra.
Nói tới đây, ông chủ Ngọ quay người bước đi, rẽ sang một hướng khác để về nhà. Ông Luân vẫn muốn hỏi thêm, thế nhưng vừa ngẩng mặt lên đã thấy ông chủ Ngọ đi khuất sau bụi cây dại ven đường.
—-
Phải nói thế trận Càng Cua Bá Vương này thật lợi hại. Chẳng mấy chốc đã kẹp khách hàng của bên đối phương, ngăn cản không cho khách hàng đến. Không những vậy, thế trận Càng Cua Bá Vương còn kẹp luôn cả kế sinh nhai của đối thủ, khiến đối họ trở tay không kịp, công việc làm ăn buôn bán nhanh chóng bị sa sút.
Cửa tiệm tạp hoá lần nữa lại vắng hoe khách. Vắng đến nỗi ruồi bu chẳng buồn đuổi. Vào khoảng hai ngày trước thôi khách hàng vẫn lũ lượt tới lấy, còn không đủ hàng hoá để giao. Vậy mà mới trải qua vài hôm thì cửa tiệm đã trở nên vắng vẻ, vắng vẻ hơn cả lúc thầy Quý chưa đến.
Quả đúng như những gì thầy Quý đoán. Chiếc bảng hiệu của tiệm bán đồ gốm phía đối diện của nhà Điền đã được thay mới hoàn toàn.
Thầy Quý quan sát một vòng rồi quay trở về nhà. Ông Luân thấy nét mặt suy tư của thầy, đoán ngay ra có chuyện chẳng lành. Ông lo lắng bước đến hỏi:
– Thầy! Bộ bọn chúng lại dở trò gì rồi sao?
Thầy Quý chẹp miệng:
– Lần trước tôi phá thế trận quỷ khóa chỉ dùng có chút sức, cốt vẫn muốn chừa lại cho cậu ấy một con đường lùi. Nhưng xem ra lòng nhân từ đặt không đúng chỗ lại thành tự rước họa vào thân.
Ông Luân siết chặt nắm đấm, hừ tiếng, nói:
– Mẹ cha nhà nó, cái thằng trời đánh này nó hết thuốc chữa thật rồi.
Thầy Quý nói tiếp lời:
– Lần này bọn họ ra thế trận Càng Cua Bá Vương, không chỉ dùng càng cua kẹp khách hàng tới mà còn muốn cắt luôn kế sinh nhai của gia đình ông đấy.
Ông Luân đến giờ phút này thì không còn tí tình nghĩa cha còn nào hết. Bèn nói với thầy Quý:
– Vậy thầy ra tay đi, ra tay trừng phạt nó giùm tôi. Nếu nó muốn tiệt kế sinh nhai của chúng tôi thì tôi cũng muốn nó bị y chang như vậy.
Thầy Quý xua tay, lắc đầu:
– Xưa nay tôi chưa từng làm hại ai, có chăng cũng chỉ là ra tay ở một mức độ nào đó thôi, đủ để họ nhận ra cái sai và nghiệp của họ gây ra, còn về phần vận hạn họ phải gánh đều là do nghiệp của chính bản thân họ gây ra. Bởi mới có câu, gieo nhân nào gặt quả đó là vậy.
Ông Luân nghĩ thầy Quý nói cũng đúng, cứ thù hằn đấu đá lẫn nhau thì bao giờ cuộc chiến mới chấm dứt. Nghĩ đến đây, ông tò mò hỏi:
– Thầy nói vậy, chắc thầy đã có diệu kế trong đầu rồi đúng không thầy.
Thầy Quý mỉm cười:
– Người ta muốn dựa vào xích mích này giữa hai gia đình cũng bởi muốn đấu tay ấn với tôi mà thôi. Nhưng trâu bò đấu đá nhau, ruồi muỗi chế.t. Trong trận pháp này, tôi thắng hay ông ta thắng, thì cả gia đình ông hay gia đình con trai ông ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng. Nên thứ tôi muốn là làm sao giảm được tai họa xuống ở mức thấp nhất, tránh cho gia chủ gặp thiệt hại rủi ro.
Ông Luân:
– Thầy có tấm lòng thật độ lượng bao dung, chỉ trách cái thằng trời đánh bên kia nó bất nhân quá.
Thầy Quý vỗ vỗ vai, trấn an:
– Muốn phá thế trận Càng Cua Bá Vương, vậy chúng ta hãy nấu chín biển hiệu con cua của tiệm đối diện.
Nói xong thầy Quý cười vang một tràng cười khoái chí. Khà… khà… khà…
Vào hôm sau, khách hàng lại đổ xô đến tiệm bán đồ gốm tấp nập đến lạ thường ngay sau khi trận pháp Càng Cua Bá Vương được lão hành khất kia thiết lập.
Điền hớn hở vui mừng chưa được bao lâu thì cảm thấy có điều gì đó sai sai, và hắn nhận ra khách hàng tới lần này toàn là người thân thích bên nhà vợ.
Không chỉ họ hàng gần, mà dù chỉ quen biết sơ sơ thôi cũng ùa nhau kéo tới. Kẻ thì cười cười nói nói, người lại tay bắt mặt mừng, họ khen Điền, tâng bốc anh ta lên tận chín tầng mây, những lúc ấy Điền nể nang vợ mình nên toàn biếu xén cho không đồ đắt tiền để họ mang về.
Nguyên hai ngày đầu kể từ khi trận pháp bày ra, Điền thiệt hại kha nhiều chứ đừng nói đến lợi nhuận thu được.
Đến ngày thứ 3 thì vợ chồng Điền quyết định đóng cửa, không mở cửa hàng buôn bán. Vì họ biết, có mở ra cũng chẳng bán buôn được gì lại còn hao tài tổn sức. M
Điền hé cánh cửa, đi ra đi vào, chốc chốc lại rướn cổ nhìn sang mé tiệm tạp hoá nhà em trai. Thấy bên kia im lìm không chút động tĩnh, cũng làm Điền giảm đi chút lo lắng.
Đến ngày thứ tư, lão hành khất mới chịu quay lại. Ông ta vừa về đến nơi đã bị Điền lôi kéo vào nhà. Không đợi lão hành khất ngồi xuống nghỉ mệt, Điền vội vàng hỏi dồn:
– Này ông, sao ông bảo trận pháp này sẽ khiến bọn họ bại trận, tiệt luôn kế sinh nhai. Có mà tiệt kế sinh nhai của tôi thì đúng hơn đó.
Lão hành khất không trả lời, bởi ông ta đoán ra được thế trận này của mình đã bị bên kia phá giải. Ông ta giơ tay ra hiệu cho Điền đừng sốt ruột, rồi lặng lẽ đi ra cửa tiệm để quan sát.
Lão hành khất thám thính xong thì thấy bên kia tiệm tạp hoá treo một tấm vải đỏ cực kỳ lớn, lão chợt nhận ra tấm vải đỏ ấy giống như ngọn lửa, vừa hay khắc thế trận càng cua của mình.
Lão chỉ tay sang bên đó, nói với Điền:
– Bọn họ muốn thiêu chế.t con cua của chúng ta ư?
Điền nhìn theo hướng tay chỉ của lão hành khất, chỉ thấy tấm vải đỏ chót rất lớn được treo lên ở giữa cửa tiệm tạp hoá chứ nào biết đó là cách thầy Quý phá thế trận Càng Cua Bá Vương của lão hành khất.

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.