Lấy Người Chồng Ma

Chương 4: Cô chủ gặp nạn



Chương 4: Cô chủ gặp nạn

Nghe xong, anh ta lặng người. Liếc đôi mắt u buồn của mình nhìn cô gái trên tay mình, lòng đầy thương xót. Ông lão như đọc được tâm tư trong lòng người đó, liền trầm giọng khuyên:

“ Vốn dĩ âm dương cách biệt, hai người không thể đến với nhau. Kiếp trước hai người là phu thê, chỉ có điều cô ấy đã buông bỏ mọi oán hận đi đầu thai, chỉ có cậu ôm mãi mối hận, cố chấp không buông. Vậy sao phải cưỡng cầu trong kiếp này.”

Anh ta buồn bã, im lặng một lúc mới lên tiếng:” Liên quan gì đến ông?”

Ông lão mỉm cười hiền từ, trầm giọng nói:

“ Cô ấy có ngày hôm nay, âu cũng là ý trời. Kiếp trước vẫn còn quá nhiều việc chưa được làm sáng tỏ, dẫn đến người trong một gia tộc bị chết thảm. Nếu cậu đồng ý với tôi một điều kiện. Tôi sẽ để cậu mượn tạm vài phần hồn phách của cô ấy mang đi.”

Anh ta ôm chặt cô gái trong vòng tay, đôi mắt không lòng tử vẫn chăm chăm nhìn vào thanh kiếm vô hình trên tay bà lão. Mà không, đúng hơn là một thanh kiếm trong suốt, trong suốt tuyệt đối, đến mức không ai có thể phát giác ra sự tồn tại của nó. Nhưng cậu thanh niên này lại khác, tuy đôi mắt cậu không còn, song nó lại có thể nhìn thấu vạn vật, tựa như một đôi mắt thần âm dương nhãn.

“ Kiếm thuỷ tinh vô hình!” Ông cụ bật ra một tiếng kêu khiếp đảm.

Biết mình không thể dễ dàng đem hồn phách của cô gái mang đi, anh ta đành xuống nước gật đầu:” Thôi được, ông nói thử tôi nghe xem, nếu trong khả năng ta sẽ đồng ý.”

Ông lão chẹp miệng, tiếp lời:

“ Cậu phải hứa với ta, sau khi làm sáng tỏ mọi chuyện trong kiếp trước, phải trả phần hồn phách còn lại cho cô ấy. Nếu không, đừng trách tôi vô tình, một khi tôi ra tay thu phục, cậu sẽ không còn đầu thai thành gì được nữa đâu. Thế nào, cậu đồng ý chứ?”

Anh ta ngẫm nghĩ một lúc, nửa muốn bên cạnh người vợ kiếp trước của mình mãi mãi, nửa không muốn làm hại cô, cướp đi sự sống. Cuối cùng cũng miễn cưỡng gật đầu:

“ Được rồi, tôi đồng ý!”

Ông lão cười khà khà, thu lại thanh kiếm rồi đặt chiếc gậy lên đầu xe, vẽ một chữ “ Bùa “ vào tay, thổi chú vào đó rồi áp bàn tay lên trán, đó là cách ông lão giữ lại phần hồn phách của Ngọc Điệp, miệng niệm chú lầm rầm, từ từ kéo lại phần hồn phách nhập vào cơ thể. Ngay tức thì, cơ thể cô trở nên mềm mại hơn khi nãy, nhịp thở cũng đều đều.

Bóng hình của Ngọc Điệp mờ dần, thậm chí phải căng mắt ra nhìn mới thấy. Cô giơ đôi cánh tay yếu ớt choàng qua bờ vai gầy gò, nhưng lại săn chắc vô cùng, đầu ngả vào lồng ngực lạnh ngắt như băng, không nghe thấy nhịp tim anh ta đập, đôi mắt cô sụp xuống thiu thiu ngủ.

Cô cũng không biết mình thiếp đi lúc nào, đến khi bên tai không còn nghe thấy tiếng gió thổi, là lúc cô chìm vào giấc mộng. Anh ta bồng cô đi, xa dần khỏi chiếc xe. Hai người hòa quyện vào hư không, biến mất trong màn đêm đen đặc, tĩnh mịch.

Ông lão đứng trông theo lắc đầu, thở dài. Có lẽ, lỡ dở mối nhân duyên kiếp trước, là một sự day dứt mãi khôn nguôi. Ông lão làm xong mấy việc cần thiết còn lại, nhìn vào cô gái nằm bất động trong xe, lảm nhảm một mình:

“ Kiếp trước, cô cứu tôi một mạng, chưa có dịp trả ơn. Kiếp này, đổi lại, tôi cứu cô một mạng để trả ơn, song bản thân tôi không thể thay đổi được mệnh trời, cô có tỉnh hay không còn phải xem phúc phận của cô đến đâu. Sợi dây tôi cho cô đeo trên bụng, nó sẽ giúp cô ngăn cản mối duyên âm, cậu ta sẽ không thể bắt cô đi được.”

Mọi việc đã xong, bầy chó trong nhà dân thấy động bắt đầu sủa inh ỏi. Ông lão biết mình phải đi, ông ấy không muốn ai trông thấy mình, tay cầm cây gậy gỗ lững thững quay lưng bước đi.

Bóng ông ấy cũng xa dần vào bóng tối, tuy xa nhưng câu thơ chất chứa đầy ẩn ý vẫn vọng đến lúc nghe rõ lúc lại quá mơ hồ:

“ Tình như mộng, mấy hồi tỉnh.
Bóng xưa bềnh bồng trong gió sương, thấp thoáng chốn mây mờ.”

Bóng ông lão mờ dần trong màn đêm.
——
Sau vụ tai nạn gần 1h, trong căn biệt thự lộng lẫy trên thành phố.

Bà vú nghe thấy công an báo nạn nhân là cô chủ qua xác minh giấy tờ tùy thân bên người, thì lập tức gọi điện thông báo cho ông chủ:

Chỉ đợi đầu dây bên kia Alo, bà vú vội vàng nói:“ Alo! Ông chủ. Công an vừa gọi điện báo xe của của cô chủ gặp tai nạn giữa đường. Bây giờ tôi đang trên đường tới hiện trường, có gì tôi sẽ báo ông chủ ngay ạ.”

Ông Khải cúp máy, buông chiếc điện thoại xuống giường, lật đật thu xếp hành lý đáp chuyến bay về nhà sớm nhất có thể.

Bà Tuyết nghe thấy tiếng chuông điện thoại gọi đến lúc nửa đêm, cũng giật mình thức giấc. Bà ta cằn nhằn.

“ Có chuyện gì sao mình? Đang nửa đêm mà, ai lại làm phiền người ta giờ này? Thật mất lịch sự.”

Bà vú bên kia đầu dây nói cô chủ gặp nạn, nghe xong bà ta giật mình tỉnh giấc. Ngồi phắt dậy ra vẻ lo lắng, hỏi:

“ Là bà vú sao? Ngọc Điệp bị làm sao? Con bé đang ở đâu?”

Bà vú đáp:” Dạ, cô chủ bị tai nạn đoạn đường ở ngoại thành, hướng đường đi lên Đà Lạt.”

Bà ta vẫn tỏ vẻ quan tâm, nói:” Trời đất ơi, thế Ngọc Điệp có bị làm sao không? Bà tới nơi chưa? Tại sao không kêu tôi cùng đi lại tự ý làm theo cảm xúc của mình.”

Giọng bà vú run rẩy đáp:” Dạ! Khi nãy tôi có ghé phòng gọi bà chủ, mà không thấy bà phản ứng gì, nghĩ bà chủ đã ngủ say nên tôi vội vã đi luôn. Vì quá lo cho cô chủ tôi mới làm vậy, mong bà chủ bớt giận.”

Bà Tuyết không chấp nhất gì bà vú trong hoàn cảnh này, bởi bà ta biết nếu làm quá thì khi bố chồng mình ở quê về sẽ trách tội. Nghĩ vậy, bà ta lấy điện thoại gọi ngay cho chồng mình, vừa là để tỏ ra quan tâm lo lắng, cũng vừa là che mắt dã tâm của mình trước mặt chồng.

Sau ba giờ ngồi bần thần lo lắng trên chuyến bay, ông Khải vừa về đến nhà đã tự lái xe thẳng đến bệnh viện, bà Tuyết xin chồng mình cho đi theo. Suốt dọc đường đi bà ta kể lể đủ thứ chuyện, dĩ nhiên tất cả đều hướng điều tốt về mình. Những lúc ấy ông Khải cảm thấy may mắn khi cưới được bà Tuyết làm vợ, không chỉ biết vun vén lo cho gia đình chu toàn, mà còn thương yêu cô con gái duy nhất của mình như con đẻ.

Đến nơi, thấy bà vú đang ở đó, vẻ mặt hồi hộp vẫn còn hiện rõ trên gương mặt già nua, ông Khải bước đến gấp gáp hỏi:

“ Con bé sao rồi vú? Tôi lo cho nó quá!”

“ Dạ, ông chủ mới tới. Cô chủ còn đang cấp cứu ở trong. Khi đến nơi, tôi thấy người ta lôi cô chủ từ trong xe ra, cô chủ đã ngất lịm đi rồi.”

Ông Khải đi đến bức tường trước mặt, tay nắm siết chặt nắm đấm đấm thùm thụp vào tường. Không biết ông ấy đang hối hận khi không thường xuyên ở bên cạnh con, hay vì một lý do nào đó khó nói ra.

Bà vú chạy lại, an ủi:” Kìa ông chủ, mong ông bình tĩnh. Cô chủ phước lớn mạng lớn, ăn ở hiền lành, sẽ không sao đâu ạ.”

Ông Khải nghiến răng rít lên:” Tôi cũng mong là vậy, nếu con bé có bị sao, tôi không còn mặt mũi đứng trước di ảnh của mẹ con bé.”

Bà vú nghe xong thấy chạnh lòng thay cho bà chủ. Bởi vì từ sau khi bà chủ mất đến khi ông chủ cưới vợ mới, thì đây là lần đầu tiên ông chủ nhắc đến người vợ quá cố của mình. Nghĩ đến đây bà vú rơm rớm nước mắt.

Đèn trong phòng cấp cứu vụt tắt. Bác sĩ bước ra nhìn họ lắc đầu. Ông ấy bảo, có lẽ Ngọc Điệp sẽ không bao giờ tỉnh lại, do cú tai nạn đã khiến não bộ của cô tổn thương khá nặng. Nếu may mắn tỉnh thì chắc có lẽ đó sẽ là một phép màu.

Ông Khải nghe xong lảo đảo ngồi phịch xuống ghế, điều mà ông sợ nhất cuối cùng cũng xảy ra. Hai mắt ông nhắm nghiền, hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ.

“ Con ơi là con ơi!” Giọng ông đau đớn rít lên…

Bà Tuyết bấy giờ mới chạy đến ngồi xuống bên cạnh an ủi:” Mình à, mình phải phấn chấn lên, con bé sẽ không sao, rồi con bé sẽ tỉnh lại thôi mình à.”

Ông Khải buồn bã nói:” Tôi lo cho con bé quá mình ạ!”

Ngọc Điệp nằm bất động trên giường bệnh. Trông cô như đang nằm ngủ vậy, hơi thở đều đều, sắc mắt có phần nhợt nhạt đi trông thấy, nhưng vẻ đẹp mong manh của cô thì vẫn còn nguyên. Ông Khải giao nhiệm vụ cho bà vú đến chăm sóc, bản thân ông đang cố liên hệ tìm bác sĩ chuyên khoa giỏi, mời đến cứu chữa cho con gái mình. Đối với ông, cô con gái này còn quý hơn số tài sản mà ông đang có, chỉ cần cứu được Ngọc Điệp, ông đều sẵn sàng bỏ ra tất cả, bằng mọi giá.
——

Một tuần sau…
Bất chấp con gái nằm bất động trên giường bệnh, ông Khải sau vài đêm thức trắng cũng đưa ra một quyết định táo bạo, đó là xin cho con gái xuất viện, hằng ngày thuê bác sĩ đến thăm khám thường xuyên, và luôn luôn thuê y tá túc trực 24h.

Ai cũng nghĩ vì ông ấy quá thương con gái nên không đành lòng để con gái nằm một mình ở bệnh viện, và có lẽ ông sẽ đưa Ngọc Điệp sang nước ngoài điều trị nếu như ở Việt Nam không tìm được bác sĩ giỏi phù hợp.
—-
Buổi trưa, nắng lên quá đỉnh đầu. Người ta bảo Sài Gòn nắng như đổ lửa cũng chẳng sai. Chiếc xe hơi sang trọng đang bon bon chạy, bất ngờ ông lão băng qua đường, khiến chiếc xe ô tô đang đà lao tới, thắng gấp….

Kítttt..t…t…

Người tài xế dừng đúng lúc, may mà mũi chiếc xe còn cách ông lão vài cm. Ông ấy hốt hoảng hạ kiếng xe, vừa quát mắng vừa hỏi thăm:

“ Này ông lão, ông đi đứng không nhìn đường hay sao? Hôm nay nếu tôi thắng xe không kịp, thì có phải đã xảy ra án mạng rồi không? Mà ông có bị thương ở đâu không?”

Ông lão xua tay, không đáp, khật khưỡng bước đến cạnh chiếc xe rồi đi vòng ra cửa sau, đưa tay lên gõ:” cộc..cộc..cộc…”Người phụ nữ tuổi tầm ngoài bốn mươi, ăn mặc rất sang trọng quý phái, bèn hạ kiếng xe xuống, nhìn ông lão ngạc nhiên hỏi:

“ Ông quen tôi ư? Ông là…?”

Vừa hỏi, người phụ ấy vừa quét ánh mắt dò xét nhìn ông lão một lượt, cuối cùng giữ im lặng chờ ông lão lên tiếng. Ông lão lấy từ trong chiếc nải ra một cây đèn cũ,và một sợi dây đưa nó cho người phụ nữ và dặn.

“ Mau! Cầm cái này về cứu cháu gái cô. Nên nhớ, cây đèn sinh mệnh này một khi thắp lên thì không được để đèn tắt đến khi nào cô ấy tỉnh dậy. Nếu không may đèn sinh mệnh bị tắt, thì phải dùng sợi dây trói hồn này, quấn quanh người cô ấy, trói tam hồn của cô lại, đừng để linh hồn bị phân tán. Cô nhớ điều này rất quan trọng đối với cháu gái cô đấy.”

Nói xong ông lão quay người bỏ đi.

Người phụ nữ cầm cây đèn và sợi dây trên tay, ngơ ngác một lúc, thắc mắc hỏi:” Ông ơi! Ông là ai? Ông đang muốn ám chỉ điều gì? Nhà tôi làm gì có ai bị thương như ông vừa nói.”

Lời cô ấy vừa dứt, bóng dáng ông lão đã đi khá xa, trong tiếng gió thổi vọng lại, người phụ nữ vẫn nghe rõ mồn một câu nói của ông ấy:

“ Là ai thì khi về nhà cô sẽ rõ. Sự sống của cô ấy dựa vào cả cây đèn sinh mệnh này. Và nên nhớ, không được tháo sợi dây tôi đã đeo trên bụng cho cô gái, cho đến khi tôi xuất hiện.”

Giọng nói vụt tắt, bóng dáng ông ấy mất hút. Người phụ người rùng mình một cái, như vừa thoát ra khỏi cơn mê. Thế nhưng, cây đèn và sợi dây trên tay là thật. Cô ấy vội hỏi chú tài xế.

“ Chú Tường, nhà mình có ai bị thương không?”

Ông Tường người lái xe nhanh miệng đáp:

“ Dạ có thưa bà chủ. Khuya qua tôi nghe chị vú thông báo, cô chủ nhà chúng ta bị tai nạn giao thông. Do ông chủ cấm chúng tôi không được loan tin ra ngoài, nên tôi chưa kịp nói lại với bà chủ.”

Người phụ nữ phấp phỏng lo lắng, hối thúc người lái xe:” Chú chở cháu về nhà gấp, ngay bây giờ.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.