Quỷ Hồn

Chương 12: Những Manh Mối



Ngồi trên xe, thấy Lưu Sở đăm chiêu đầy muộn phiền, A Mộc hỏi:

“ Anh ổn chứ? Tôi thấy anh có tâm sự!”

Lưu Sở:” À tôi ổn. Chỉ đang mải nghĩ về vài việc.”

A Mộc:” Bố anh ư?”

Lưu Sở giật mình, thì ra không chỉ bản thân anh mà ngay cả A Mộc cũng phát hiện ra điểm đáng nghi trong bức hình kia. Anh hỏi:” Cậu nghĩ sao?”

A Mộc im lặng suy nghĩ một lúc, ngả lưng ra sau ghế mặt hơi hếch lên rồi trả lời:

“ Điểm khác biệt giữa bố anh và bọn họ chính là nghề nghiệp. Tuy nhiên muốn biết chính xác hơn thì tôi khuyên anh hãy đi hỏi ông ấy. Tôi biết trong lòng anh đang khó chịu, thậm chí là đang lo lắng. Vậy sao anh không gỡ bỏ nút thắt này trước, biết đâu bố anh cũng là người có liên quan đến chuỗi phẫu thuật đó?”

Lưu Sở im lặng trong giây lát, nói tiếp lời:” Ở vụ án số 2 và số 3, hung thủ đều dùng cách sử dụng điện thoại của nạn nhân để đánh lừa người thân của họ. Nên khi họ chết đã nhiều ngày mà vẫn không một ai hay biết.”

Những lời của A Mộc hoàn toàn không phải không có cơ sở, song thật khó chấp nhận nếu sự thật bố anh có liên quan đến chuỗi phẫu thuật cấy ghép nội tạng đó. Khác gì tính mạng của ông đang gặp nguy hiểm. Biết đâu ông ấy đã lọt vào tầm ngắm của hung thủ.

Xẩm tối, hai người mới về đến nhà. Bây giờ Lưu Sở chỉ muốn chạy ngay vào phòng tắm để gột rửa mùi tử thi bám trên quần áo. Thay bộ đồ anh thấy thoải mái, ăn no bụng và ngả lưng trên giường không muốn suy nghĩ gì thêm.

Cơm tối xong, Lưu Sở bảo A Mộc về phòng trước. Anh rẽ vào phòng đọc sách muốn bàn chút công việc với bố.

Cộc…cộc..cộc…

Bên trong phòng, tiếng ông Dũng nói vọng ra:” Vào đi!”

Lưu Sở đẩy cửa bước vào. Ông Dũng ngước lên thấy Lưu Sở vội buông quyển sách đặt xuống bàn, mỉm cười hỏi:

“ Công việc của con ổn cả chứ? Bố cũng định gọi con đến chúng ta cần nói chuyện.”

Lưu Sở ngồi xuống trước mặt bố, cầm quyển sách ông ấy đang đọc lên lật giở từng trang, xong đặt lại chỗ cũ, các ngón tay gõ nhịp trên bìa sách, gật gù đáp:

“ Con ổn.”
Ông Dũng hỏi:
“ Có muốn uống với bố một ly không? Khi nãy ở bàn ăn có khách nên bố không tiện nói.”
Lưu Sở gật đầu:” Dạ!”

Ông Dũng đứng dậy, đi sang tủ rượu lấy một chai mình tâm đắc nhất quay lại bàn. Rót xong, ông đẩy ly rượu đến trước mặt Lưu Sở, hối con trai:

“ Chúng ta nâng ly.”
“ Vì chuyện gì hả bố?”
“ Chẳng vì gì cả, hoặc con cứ nghĩ vì tương lai, gia đình… sao cũng được.”

Lưu Sở đưa ly rượu lên miệng tu một hơi hết, cậu nhăn mặt, lần đầu tiên cậu cảm nhận vị đắng ngai ngai của nó xen lẫn hương thơm của nho. Cậu khà một hơi, nói với bố:

“ Đắng quá, con chưa thử loại này bao giờ.”
Ông Dũng nhấp một ngụm, đặt nó xuống bàn nhìn Lưu Sở bảo:
“ Là do tâm trạng con không tốt đấy thôi, còn bố, nó rất ngon.”

Lưu Sở là người khá nhạy bén trong từng câu nói, cử chỉ hay hành động của người khác. Lần này nghe bố nói vậy cậu ít nhiều hiểu ra rằng chuyện bố cậu sắp nói nó khá quan trọng.

“ Bố tính bàn chuyện gì với con?”

Ông Dũng rót thêm một ly đưa nó cho Lưu Sở. Thở hắt ra một hơi vẻ muộn phiền, chậm rãi nói:

“ Lưu Sở này, có khi nào con nghĩ đến việc thôi không làm cảnh sát nữa không?”

Lưu Sở nhấp một hớp rượu, lần này đúng là vị ngọt đã xuất hiện thật, đầu lưỡi của cậu cảm nhận rõ mùi vị đó. Cậu nhìn thẳng vào bố, gật đầu giọng quả quyết:” Có chứ, con đã từng.”

“ Thế bây giờ thì sao? Con còn giữ ý định đó không?”

Lưu Sở nghiêm mặt nhìn bố, tò mò hỏi:

“ Ý bố muốn sao cứ nói thẳng ra đi, chúng ta là cha con kia mà.”

Ông Dũng cười, nhấp thêm ngụm rượu, khà một hơi gật gù, một lát sau nói ra suy nghĩ trong lòng mình:

“ Con rất giống tính của ông nội, cương trực, làm việc gì cũng hết mình, tình thần trách nhiệm cao. Nhưng nhà họ Hoàng chúng ta có mỗi con là con trai, ngộ nhỡ sau này bố không còn minh mẫn khỏe mạnh thì công ty nhà mình ai sẽ là người dìu dắt?”

“ Ý bố muốn con nghỉ làm cảnh sát để về nối nghiệp gia đình?”

“ Ừ! Nếu con sợ ông nội phản đối, chuyện đó cứ để bố lo.”

Lưu Sở tu hết ly rượu, đặt nó xuống bàn”cạch”, cậu trân trân nhìn vào gương mặt đầy hoài bão của bố, mỉm cười nói:

“ Bố đang sợ điều gì? Hay đơn giản chỉ muốn con kế nghiệp bố?”

Ông Dũng chau mày, sắc mặt thoáng chút bối rối, nhưng rất nhanh sau đó lấy lại vẻ tự tin, hỏi lại:

“ Tại sao con hổ bố vậy?”

Lưu Sở mở điện thoại, gửi cho bố tấm hình lúc cậu chụp ở nhà ông Tấn, khi xem xong, ông Dũng thở dài, nói:

“ Có lẽ bố không thể giấu con được chuyện gì. Đúng là hôm qua bố có gặp sếp của con và có hỏi đến những vụ án con đang làm. Sau cuộc trò chuyện chúng ta có đề cập đến chuyện này, ông ấy cũng đã hứa sẽ ra quyết định sớm nếu như con muốn thôi việc. Còn về tấm hình, đợt đó ba mẹ tài trợ cho một thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cần ghép gan.”

“ Bố nhớ tên bệnh nhân ấy chứ? Người mà bố mẹ đã đã giúp.”

“ Biết chứ, ông nội của bệnh nhân và ông nội con năm xưa từng là bạn học với nhau chơi rất thân. Chính ông nội con bảo bố mẹ ra mặt thay ông đến nhà gặp họ đề nghị được hỗ trợ kinh phí cho cuộc phẫu thuật.”

Lần này Lưu Sở tin lời bố mình nói, bởi anh biết khi nhắc đến ông nội thì bố không thể nói dối, lấy ông nội ra làm bia đỡ đạn.

Lưu Sở gật đầu, đứng dậy nói với cha:

“ Con rất tiếc, nhưng tạm thời con chưa nghĩ đến chuyện nghỉ làm cảnh sát, những vụ án con đang điều tra và theo đuổi con quyết không bỏ cuộc.”

Nói xong, Lưu Sở bỏ ra khỏi phòng, vừa bước đi được vài bước, thì giọng ông Dũng sau lưng vang lên:

“ Tại sao ngang bướng vậy hả? Bố làm vậy cũng vì muốn tốt cho con mà thôi. Nghe lời bố, nghỉ việc quay về công ty làm việc với bố, vụ án con dang theo đuổi càng cố dấn thân vào càng nguy hiểm.”

Lưu Sở không quay người lại, anh vẫn đi tiếp, ra đến cửa gặp mẹ bưng khay trà vào. Bà nhìn nét mặt cảm nhận được hai bố con đang căng thẳng, bèn lên tiếng giảng hoà:

“ Có chuyện gì hai bố con từ từ nói. Người nhà với nhau cả mà.”

Ông Dũng một tay ôm ngực, tay kia chỉ trỏ vào Lưu Sở, tức giận nói:” Bà xem, con trai bà.. nó..nó..ngang bướng đến chừng nào!”

Khi Lưu Sở đi khuất, ông Dũng bực mình ngồi phịch xuống ghế, thở gấp gáp trong thất vọng. Bà Thuỷ đặt khay trà trên bàn, kéo ghế ngồi đối diện với chồng mình, thở dài nói:

“ Ông vẫn hiểu tính cách của con trai mình sao, càng ép buộc thằng bé càng tỏ ra cứng đầu. Nếu mình muốn con nó quay về công ty làm, chỉ còn một cách mà thôi.”

Ông Dũng ngước lên nhìn vợ ngạc nhiên, hỏi:” Là cách gì? Mình nói tôi nghe thử.”

Bà Thuỷ rót mời chồng chén nước, chậm rãi nói:” Sao mình không bắt đầu từ chỗ bố. Từ nhỏ đến lớn bố chính là người khiến thằng Sở nhà chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Ngay từ khi mới biết danh tính là cháu trai trong bụng con dâu đang mang thì bố đã vẽ sẵn tương lai cho con trai của chúng ta rồi. Vì không muốn gia đình bất hoà, nên tôi mắt nhắm mắt mở để thằng Sở nó thi vào trường cảnh sát theo nguyện vọng và mong muốn của ông nội.”

Ông Dũng thở hắt ra, tựa lưng ra sau ghế, bập bênh một lúc rồi nói:

“ Thì tôi cũng tính vậy, nhưng phải xem ý thằng Sở nhà mình như thế nào đã chứ.”

Bà Thuỷ không nói gì thêm. Thực ra từ lâu bà ấy cũng có đồng quan điểm với chồng mình. Nhà bà chẳng thiếu gì tiền bạc, vợ chồng bà lại có mỗi hai mụn con. Thằng Sở con trai bà cứ vào sinh ra tử trong những lần đi điều tra án, những lúc ấy đối với bà nó giống như một sự tra tấn tinh thần, thấp thỏm trong âu lo.
—-
Sáng hôm sau, bà Xuân đang ngồi trước bàn trang điểm tút tát lại nhan sắc, hình như bà ta sắp đi đâu đấy nên không cho phép mình ăn mặc xuề xoà. Bỗng bên ngoài có tiếng gõ cửa, theo sau là tiếng gọi của con trai:

“ Mẹ, mẹ dậy chưa mẹ?”

Bà Xuân nói vọng ra:

“ Vào đi con!”

Tuấn Phong đẩy cửa bước vào, nhăn nhó vẻ khó chịu nhìn mẹ hỏi:

“ Sao mẹ đánh vợ con ra nông nỗi thế kia?”

Bà Xuân khựng tay, liếc mắt nhìn con trai, rồi lại ngắm mình trong gương, đưa thỏi son lên tô môi. Một lúc sau, cảm thấy hài lòng với gương mặt của mình, bà ta mới đứng dậy đi sang ghế sofa ngồi, ngoắc Tuấn Phong lại và bảo:

“ Lại đây ngồi đi con.”

Tuấn Phong vừa đặt mông ngồi xuống, cậu buồn bã nói:

“ Vợ chồng con muốn chuyển ra ngoài sống. Dù bố mẹ không đồng ý nhưng tính con đã quyết.”

Bà Xuân quá đỗi ngạc nhiên với quyết định bất ngờ này của con trai, bà ấy tức giận quát:

“ Con vừa nói cái gì? Hai đứa muốn chuyển ra ngoài sống? Nói thật cho mẹ biết, đây là ý của cô ta xúi giục con có phải không?”

Tuấn Phong xua tay, lắc đầu:” Không, là ý của một mình con. Con muốn chuyển ra ngoài sống riêng lâu rồi nhưng vì vợ con không đồng ý nên đến bây giờ chúng con vẫn ở đây.”

Bà Xuân nuốt cục tức vào trong, nhìn con trai mỉm cười hạ giọng:

“ Con à, có cần phải ra ở riêng không, như vậy bố mẹ buồn lắm. Con xem, ngôi nhà này rộng rãi thoải mái, phòng ngủ ở không hết thì ra ngoài làm gì hả con. Mẹ không đồng ý, không đồng ý giao con trai mẹ cho con bé quê mùa kia chăm sóc.”

Tuấn Phong đứng phắt dậy, giọng quả quyết trước khi ra khỏi phòng:

“ Ý con đã quyết, bố mẹ đồng ý hay không con cũng không bận tâm. Nếu mẹ và em gái con đối xử tốt với vợ con, như cách con đối xử thương yêu cô ấy thì đã không có ngày hôm nay.”

Nói xong Tuấn Phong bỏ đi, bà Xuân đứng phắt dậy chỉ tay theo hướng con trai, giận dữ hét lên:

“ Tuấn Phong, con đứng lại ngay cho mẹ. Mẹ còn chưa nói xong con đã bỏ đi là ý gì đây?”

Rầm…!!!! Cánh cửa phòng được Tuấn Phong khép lại, cậu không ngoái lại, không trả lời. Cậu đã quá mệt mỏi khi bao nhiêu năm qua vẫn phải gồng mình lên đứng giữa mẹ và vợ. Đối với cậu, chỉ còn cách ra ở riêng để làm dịu bớt cảnh mẹ chồng nàng dâu khẩu chiến.

Bà Xuân ngồi phịch xuống, nghiến răng, tay siết chặt nắm đấm đấm vào thành ghế sofa, trừng mắt mà rít lên:

“ Cô khá lắm, nếu cô đã không còn biết nghe lời, cố ý dụ dỗ con trai tôi và muốn chia rẽ tình thân thì đừng trách tôi không niệm tình. Hừ..!!!”

Vừa lúc ấy, tiếng điện thoại bỗng đổ chuông. Bà Xuân nghe máy xong vội vàng đứng dậy xách chiếc túi bước ra khỏi phòng.

Bà ta lái xe đến một quán nước trên phố, tạt vào chọn cho mình một góc quán yên tĩnh nhất. Một lúc sau, một người đàn ông khác bước vào, đi cùng với ông ta còn có thêm một phụ nữ:

“ Mời anh chị ngồi. Anh chị dùng gì xin cứ tự nhiên.”

Người đàn ông chạc ngoài năm mươi tuổi, gương mặt có chút lo âu muộn phiền, chưa kịp gọi nước đã đi thẳng vào vấn đề:

“ Bà chưa nghe chuyện gì sao? Đã có hai người phải chết!”

Bà Xuân ngạc nhiên, hỏi:

“ Ông muốn đề cập đến chuyện gì mới được cơ chứ? Đang không nói vậy làm sao tôi hiểu.”

Người phụ nữ bên cạnh, trả lời thay:

“ Bà còn nhớ chuỗi phẫu thuật cấy ghép năm xưa không? Hai trong năm số bác sĩ tham gia lần đó đã tử vong. Mà còn là cái chết rất quái dị và ghê rợn.”

Bà Xuân sửng sốt, hai mắt mở to tròn, nhìn hai người họ giọng lắp bắp:

“ Hai..hai..nói..thật..chứ..? Có hai người đã chết?”

Người đàn ông đối diện kia trả lời:

“ Công việc của chúng tôi rất bận, mở mắt ra lo ăn sáng rồi phóng xe đến bệnh viện đón bệnh nhân. Bà xem chúng tôi có rảnh không hẹn bà ra đây nói chuyện phiếm?”

Bà Xuân bưng ly nước tu ực hớp, xong đặt ly xuống bàn nghiêm nét mặt nhìn hai người họ, hỏi:

“Hừ! Cũng đâu liên quan đến tôi. Năm đó con gái tôi cần thay giác mạc, tôi bỏ tiền nhờ bệnh viện tìm người hiến giác mạc cũng là lẽ thường thôi mà. Cũng đâu phải mình tôi làm vậy.”

Người đàn ông kia lau mồ hôi trên trán, rồi hỏi:” Bà có chắc mình không âm thầm nhúng tay vào chuyện đó không?”

Ông ta hỏi câu đó khiến bà Xuân không giữ nổi bình tĩnh, nghĩ ông ta đang muốn ngậm máu phun người, đặt điều thị phi, bèn đứng dậy chỉ tay vào mặt, chửi bới om sòm:

“ Ý ông là sao, là sao hả? Mấy người nghĩ ai cũng sống bẩn như mấy người sao? Hừ! Tôi nói cho mà biết nhé, nếu cô ta quay lại báo thù, thì người cô ta tìm đến tiếp theo chính là hai người đấy, những vị bác sĩ trực tiếp làm phẫu thuật chứ không phải người nhà bệnh nhân như tôi. Nếu nói đến oán nghiệp, thì chính các người mới là những kẻ trực tiếp tước đi mạng sống của người ta để lấy thứ mình muốn bán cho bệnh nhân còn gì?”

Người đàn ông nghe xong đứng phắt dậy, tỏ ra rất giận dữ khi nghe những lời xúc phạm thốt ra từ miệng bà Xuân. Ông ta nói:

“ Bà được lắm. Tôi bỏ thời gian hẹn bà ra đây để cùng nhau tìm cách chứ không phải nghe những lời vô văn hoá này của bà. Đã thế, để tôi chống mắt lên xem bà ung dung tự đắc được đến bao giờ.”

Nói xong ông ấy tức giận, hối người phụ nữ bên cạnh:” Chúng ta đi thôi, không cần phí lời với những con người như thế này.”

Người phụ nữ đứng dậy theo, nhìn bà Xuân chán ghét phủi bụi quần áo, hừ tiếng, rồi lẽo đẽo theo sau người đàn ông, đi ra khỏi quán.

Bà Xuân đứng trông theo còn chửi đổng:” Cứ vậy đi, tôi cũng mở to mắt lên xem hai người định làm gì tôi.”

Cũng may trong quán vắng khách nên không ai để ý đến thái độ của bà ấy. Bà Xuân hậm hực ngồi xuống ghế, đưa ly nước lên miệng tu ừng ực một hơi hết. Chỉ có thế mới khiến bà ta hạ hỏa trong lúc này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.